Khóa học cùng chuyên gia

Các Loại Hợp Đồng Bảo Hiểm Hàng Hóa Xuất Nhập Khẩu

Hợp đồng bảo hiểm chuyến; Hợp đồng bảo hiểm bao

MỤC LỤC

    1. Hợp đồng bảo hiểm chuyến:

    Là hợp đồng bảo hiểm cho một chuyến hàng chuyên chở từ địa điểm này đến địa điểm khác ghi trong hợp đồng. Công ty bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm về hàng hóa trong phạm vi một chuyến hàng. Hợp đồng bảo hiểm chuyến được thể hiện bằng Đơn bảo hiểm hay Giấy chứng nhận bảo hiểm do Công ty bảo hiểm cấp. Đơn bảo hiểm và Giấy chứng nhận bảo hiểm đều có giá trị pháp lí như nhau nhưng về hình thức và cách sử dụng có khác nhau đôi chút.

    Đơn bảo hiểm (Insurace Policy)

    Chính là một hợp đồng bảo hiểm chuyến đầy đủ. Nội dung gồm hai mặt: mặt trước thường ghi các chi tiết về hàng, tàu, hành trình. Mặt sau thường ghi các điều lệ hay qui tắc của Công ty bảo hiểm.

    Nội dung của một Đơn bảo hiểm chủ yếu bao gồm:

    Ngày cấp đơn bảo hiểm, nơi kí kết HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

    Tên và địa chỉ của người mua bảo hiểm

    Tên hàng được bảo hiểm, số lượng và trọng lượng của hàng

    Qui cách đóng gói, loại bao bì và kí mã hiệu của hàng

    Tên tàu hoặc phương tiện vận chuyển hàng

    Cách xếp hàng trên tàu

    Cảng khởi hành, cảng chuyển tải và cảng cuối, ngày tàu khởi hành

    Giá trị bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, phí bảo hiểm

    Địa chỉ của giám định viên bảo hiểm 

    Phương thức và địa điểm trả tiền bồi thường, do người được bảo hiểm chọn.

    Giấy chứng nhận bảo hiểm (Insurance Certificate = Certificate of Insurance)

    Là chứng từ do người bảo hiểm cấp cho người được bảo hiểm để xác nhận hàng hóa đã được mua bảo hiểm theo điều kiện hợp đồng.

    Điểm khác biệt thứ nhất giữa Insurance Policy và Insurance Certificate là về mặt nội dung.

    Nội dung của Insurance policy là một dạng hợp đồng đầy đủ giữa người bảo hiểm với người được bảo hiểm, nó thể hiện đầy đủ các nguyên tắc, điều kiện bảo hiểm, thời hiệu, mức phí, khấu trừ… Nội dung của giấy chứng nhận bảo hiểm chỉ bao gồm điều khoản nói lên đối tượng được bảo hiểm, các chi tiết cần thiết cho việc tính toán phí bảo hiểm và điều kiện bảo hiểm đã thỏa thuận. Hay nói cách khác, nó là bằng chứng thể hiện sự tồn tại của thoả thuận bảo hiểm theo điều kiện nào đó. Trên một Insurance Certificate thường chỉ thể hiện một số nội dung cốt lõi của thoả thuận bảo hiểm, thí dụ: thời hiệu, hình thức, giá trị bảo hiểm… mà không bao gồm các chi tiết thoả thuận cụ thể, đầu đủ của một hợp đồng bảo hiểm như Insurance Policy thể hiện.

    Điểm khác biệt thứ hai giữa Insurance Policy và Insurance Certificate là tính chuyển nhượng

    Insurance Policy bản gốc có chức năng chuyển nhượng được. Cụ thể là khi người xuất khẩu là người mua bảo hiểm, người này có thể thực hiện việc ký hậu trên mặt sau của Insurance Policy, gửi cho người nhập khẩu thì người nhập khẩu sẽ trở thành người được bảo hiểm và thụ hưởng số tiền bồi thường nếu có tổn thất xảy ra. Do vậy, đa số các thoả thuận bảo hiểm đều thể hiện ở dưới dạng Insurance Policy để thuận tiện cho hai bên mua bán. Còn một Insurance Certificate dù là bản gốc cơ bản không có giá trị chuyển nhượng.

    Điểm khác biệt thứ ba giữa Insurance Policy và Insurance Certificate là giá trị pháp lý.

    Cả Insurance Policy và Insurance Certificate đều có giá trị trong việc đòi bồi thường và xử lý tranh chấp tại cấp tòa án. Về bản chất của nghiệp vụ bảo hiểm, Insurance Certificate tương đương với Insurance Policy nhưng xét về mặt pháp lý, Insurance Certificate không mạnh và chặt như một Insurance Policy, và một bản Insurance Certificate thuần tuý (không tích hợp đầy đủ nội dung và chức năng của Insurance Policy) thì không có giá trị đầy đủ trong việc xử lý tranh chấp, khiếu nại pháp lý. Khi đó, để giải quyết tranh chấp, phải kết hợp với Insurance Policy.

    Vậy khi nào công ty bảo hiểm phát hành Insurance Policy, khi nào phát hành Insurance Certificate?

    Trong thực tế, điều này phụ thuộc vào yêu cầu của người được bảo hiểm và thực tiễn của việc mua bán. Nếu lô hàng được bảo hiểm là chuyến một, không giao hàng từng phần, không giao hàng nhiều lần, thì thường người mua bảo hiểm sẽ muốn công ty bảo hiểm cấp Insurance Policy vì những tiện ích liên quan đến nội dụng, tính chuyển nhượng và tính pháp lý như đã trình bày. Nếu lô hàng là giao nhiều lần, giao từng phần, thì công ty bảo hiểm đôi khi sẽ cấp chứng từ dưới tên Insurance Certificate, nhưng người mua bảo hiểm nên yêu cầu chứng thư này phải tích hợp đầy đủ nội dung như một Insurance Policy. Đặc biệt, trong trường hợp L/C yêu cầu các bên sử dụng Insurance Policy thì việc sử dụng Insurance Certificate không có giá trị thanh toán; ngược lại nếu LC chấp nhận Insurnace Certificate thì các bên cứ mặc nhiên sử dụng mà không cần nghi ngại.

    Còn một loại chứng từ bảo hiểm ít gặp nữa, đó là Insurance Cover Note: Giấy báo xác nhận bảo hiểm hay Phiếu xác nhận bảo hiểm tạm thời.

    Đây là giấy tờ do công ty bảo hiểm hay môi giới bảo hiểm cấp, đảm bảo sẽ bảo hiểm cho đối tượng nào đó, hoặc xác nhận việc bảo hiểm chính thức có hiệu lực, tuy nhiên các nguyên tắc bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm tại thời điểm thoả thuận vẫn chưa được các bên thống nhất, hoặc đã thống nhất sơ bộ nhưng cần có thời gian để lập Insurance Policy. Khi khách hàng đề nghị bảo hiểm và đề nghị bảo hiểm này được chấp nhận thì Công ty bảo hiểm sẽ lập và gửi Phiếu xác nhận bảo hiểm tạm thời để làm bằng chứng. Sau đó sẽ phát hành một hợp đồng bảo hiểm chính thức. Insurance Cover Note giống như một biên bản/Thoả thuận ghi nhớ về việc bảo hiểm vậy.

    Insurance Cover Note thường có giá trị làm vật thay thế tạm thời trong khoảng thời gian từ khi bắt đầu hiệu lực bảo hiểm đến lúc cấp Insurance Policy chính thức. Khoảng thời gian này thường có giá trị tối đa là một tháng. Thỏa thuận bảo hiểm này thường được phát hành trong trường hợp bảo hiểm từ kho tới kho, khi đó hiệu lực và quãng đường bảo hiểm đã bắt đầu, trong khi người mua bảo hiểm chưa thể cung cấp vận đơn nháp để công ty bảo hiểm phát hành Insurance Policy chính thức.

    2. Hợp đồng bảo hiểm bao​

    Hợp đồng bảo hiểm bao là hợp đồng bảo hiểm cho một khối lượng hàng được vận chuyển trong nhiều chuyến kế tiếp nhau trong một thời gian nhất định (thường là một năm) hoặc nhận bảo hiểm cho một lượng hàng vận chuyển nhất định (không kể đến thời gian). Trong hợp đồng bảo hiểm bao, hai bên chỉ thỏa thuận những vấn đề chung nhất như tên hàng được bảo hiểm, loại tầu chở hàng, cách tính trị bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối đa cho mỗi chuyến hàng và điều kiện bảo hiểm, tỷ lệ phí bảo hiểm và những điểm liên quan khác đã được thỏa thuận giữa các bên. Tuy nhiên, trong hợp đồng bảo hiểm bao luôn có ba điều kiện cơ bản sau: 

    Điều kiện xếp hạng tàu được thuê chuyên trở hàng hóa sẽ được bảo hiểm: Tàu phải có cấp hạng cao và nếu do 10 hãng đăng kiểm nổi tiếng trên thế giới cấp mới được chấp nhận một cách tuyệt đối. Tàu phải có khả năng đi biển bình thường và tuổi tàu dưới 15 năm.

    Điều kiện về giá trị bảo hiểm: người được bảo hiểm phải kê khai giá trị theo từng chuyến về số kiện, giá CIF hoặc giá FOB, số hợp đồng mua bán, số thư tín dụng (L/C), số vận đơn (B/L)…

    Điều kiện về quan hệ trên tinh thần thiện chí: Nghĩa là đã mua bảo hiểm bao của người bảo hiểm nào thì trong thời gian đó người được bảo hiểm không được phép mua bảo hiểm hàng hóa của người bảo hiểm khác.

    Trong thời gian có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm bao, mỗi lần vận chuyển hàng hóa, người tham gia bảo hiểm phải gửi giấy báo vận chuyển cho người bảo hiểm. Nếu có thay đổi đặc biệt về số lượng, giá trị hàng…phải tiến hành kí kết hợp đồng bảo hiểm khác. 

    Sau khi cấp Đơn bảo hiểm, nếu người được bảo hiểm thấy cần bổ sung, sửa đổi một số điều và công ty bảo hiểm đồng ý thì công ty bảo hiểm sẽ cấp giấy bảo hiểm bổ sung. Giấy này có giá trị như một đơn bảo hiểm, là một bộ phận được kèm theo và không thể tách rời của đơn bảo hiểm ban đầu.

    ​​Bài viết độc quyền của tác giả: Ths. Lê Sài Gòn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Xuất Nhập khẩu Sài Gòn - SIMEX

    Mọi chi tiết về Khóa họcGiảng viên và Lịch khai giảng, vui lòng tham khảo tại www.simex.edu.vn hoặc Hotline 0327567988 để được tư vấn Chuyên môn và tư vấn Khóa học xuất nhập khẩu miễn phí.

    LÊ SÀI GÒN
    NCS Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh Quốc tế

    "Khi giảng dạy, tôi thường chia sẻ những điều tôi từng làm sai và lỗi lầm trong công việc và sự nghiệp, còn những cái đúng, đã có sách vở."

    BẠN ĐANG PHÂN VÂN LỰA CHỌN KHOÁ HỌC?

    Zalo tư vấn chat Simex Gọi tư vấn chat Simex Tư vấn 24/07 Zalo tư vấn chat Simex