MỤC LỤC
Nếu phân chia liên quan đến nghiệp vụ chuyển nhượng vận đơn, có: vận đơn đích danh, vận đơn vô danh và vận đơn theo lệnh. Trước hết, đây phải là vận đơn gốc, và sự khác nhau theo cách phân chia này là nằm ở ô Consignee.
Mời quý độc giả xem phần vận đơn Vô Danh và Vận đơn Đích Danh tại đây.
Hay còn gọi vận đơn ký hậu Endorsed Bill of Lading
Vận đơn theo lệnh "To order B/L" là vận đơn mà hàng hoá ghi trong vận đơn đó sẽ được giao theo lệnh của một người nào đó bằng cách người đó ký hậu lên mặt sau của vận đơn.
Ảnh: Vận đơn Theo lệnh là vận đơn ghi chữ Order hoặc To order ở ô Consignee
Ở ô "Consignee" trên mặt trước vận đơn sẽ ghi dòng chữ "To order of shipper” hay chỉ ghi chữ “To order".
Loại B/L này thường được sử dụng trong trường hợp thanh toán bằng T/T, khi đó ngân hàng hai bên sẽ không giúp khống chế bộ chứng từ. Bộ chứng từ (trong đó quan trọng nhất là vận đơn) sẽ được người XK gửi trực tiếp cho người NK. Đặc biệt, trong trường hợp hàng đã đến cảng đích rồi, nhưng người mua còn thiếu một phần hoặc toàn phần tiền hàng.
Giả sử, nếu người mua mất khả năng thanh toán/không thanh toán/không lấy hàng, hoặc phổ biến nhất là cố tình ép giá người bán (nhất là trong hoàn cảnh hàng đã đến cảng đích rồi, người bán chưa thu được tiền của người mua, sản phẩm này quá đặc thù chỉ có thể bán cho người mua), lúc này, người bán không thể chở hàng trở về, mà thường chọn giải pháp bán lô hàng cho một bên khác cũng chính ở nước nhập khẩu đó. Nếu ngay từ đầu, hai bên dùng vận đợn đích danh, thì người bán không thể bán lô hàng này cho ai khác được (vì không ai dám mua cả, vì vận đơn ghi đích danh người mua ban đầu, và chỉ có người mua đó mới có thể nhận hàng từ hãng tàu). Còn nếu dung vận đơn Theo lệnh người bán, người bán có thể chuyển nhượng sở hữu lô hàng này, tức là bán cho một bên mua khác mà không gặp rắc rối về việc nhận hàng (vì lúc này vận đơn ghi giao hàng theo lệnh của người bán).
Trong trường hợp mọi việc thuận lợi, người mua thanh toán đúng cam kết, thì khi hàng đến, hãng tàu sẽ giao hàng cho người mua theo lệnh của người bán. Do vậy, người mua phải có được chữ ký hậu của người bán, thì mới lấy hàng được. Sau khi nhận được B/L gốc từ hãng tàu, người bán sẽ dựa vào sự thỏa thuận với người mua (khi ký hợp đồng mua bán) mà thực hiện việc ký hậu vào mặt sau của vận đơn, rồi gửi vận đơn này cho consignee/người NK nhận hàng. Nếu không có ký hậu của shipper, consignee không thể lấy được hàng. Hay nói cách khác, muốn người bán ký hậu kiểu gì trước khi gửi vận đơn đi, hoàn toàn là phụ thuộc vào nhu cầu và yêu cầu của người mua.
Người XK có thể thực hiện việc ký hậu trên vận đơn theo 03 cách và/hoặc 02 kiểu như sau:
03 cách:
Một là, shipper A đóng dấu + ký tên + ghi dòng chữ “Deliver to B” = “Giao cho B” vào mặt sau của vận đơn, rồi gửi vận đơn này cho B, thì chỉ có consginee B mới lên hãng tàu nhận D/O lấy hàng được. Sau khi ký hậu như vậy thì vận đơn này trở thành vận đơn đích danh và B là người hưởng lợi cuối cùng và duy nhất, B không thể chuyển nhượng bằng cách ký hậu tiếp nữa (cũng không thể chuyển nhượng bằng cách sang tay). Kiểu này gọi là Ký hậu Đích danh = Named Endorsement = Straight Endorsement = Restritive Endorsement (ký hậu hạn chế).
Hai là, A đóng dấu + ký tên + ghi dòng chữ “Deliver to order of B” – “Giao hàng theo lệnh của B”, rồi gửi vận đơn này cho B, thì B có thể lại tiếp tục được chuyển nhượng vận đơn/bán lô hàng này cho người tiếp theo bằng cách ký hậu thêm một lần nữa ở phía mặt sau của vận đơn. Kiểu ký hậu này gọi là Ký hậu Theo lệnh = To order Endorsement. Nếu B nhận vận đơn đã Ký hậu như vậy rồi, lại đổi ý không chuyển nhượng tiếp như dự định ban đầu mà lại muốn mang hàng về sử dụng, thì kế bên chữ ký hậu của A, người B thực hiện việc ký hậu bằng cách đóng dấu + ký tên của B + ghi dòng chữ “Deliver to ourselves”, và mang vận đơn này đến hãng tàu này để lấy hàng. Lúc này vận đơn này ‘kết thúc’ tại đây, không tiếp tục chuyển nhượng được nữa, vì đã trở thành vận đơn đích danh rồi.
Ba là, A chỉ đóng dấu + ký tên vào mặt sau và không ghi dòng chữ gì cả. Kiểu ký hậu này gọi là Ký hậu vô danh = Nameless Endorsement = Blank Endorsement = White Endorsement = Empty Endorsement = Genrerneral Endorsement = Common Endorsement. Kiểu ký hậu này rất phổ biến và thường được lựa chọn sử dụng vì đơn giản. Người bán chỉ cần đóng dấu, ký tên, gửi vận đơn cho người mua là coi như hoàn thành nghĩa vụ, không quan tâm đến việc chuyển nhượng tiếp theo của người mua. Với vận đơn được ký hậu kiểu này, người mua cũng có thể đi nhận hàng dễ dàng từ hãng tàu (hãng tàu sẽ giao hàng cho ai đang “cầm” vận đơn trong tay, chứ không quan tâm đến tên của người mua và các thủ tục ký hậu phức tạp). Đồng thời, nếu người mua muốn chuyển nhượng vận đơn cho ai khác, chỉ cần sang tay nhanh chóng mà không cần hiểu nhiều về nghiệp vụ ký hậu.
Với người bán, kiểu ký hậu vô danh này đặc biệt có lợi cho người bán. Hãy hình dung trường hợp người mua ‘lừa’ người bán, rằng ‘người bán hãy ký hậu đích danh hoặc theo lệnh người mua lên mặt sau của vận đơn đi, rồi scan mặt sau của vận đơn cho người mua thấy, rồi người mua mới thanh toán, sau đó người bán mới gửi vận đơn gốc sang cho người mua’. Nếu người bán sau đó ký hậu theo yêu cầu như vậy của người mua, thì cho dù chưa gửi vận đơn gốc đi đến cho người mua, thì người bán đã lâm vào một rủi ro là không thể chuyển nhượng vận đơn này/bán lô hàng này cho ai khác trong trường hợp người mua mất khả năng thanh toán/không thanh toán/hoặc ép giá người bán như đã phân tích ở phần trên.
Ngược lại, nếu người bán dùng kiểu ý hậu để trống, cho dù sau khi ký hậu rồi, người mua có ‘trở mặt’ thì người bán còn giữ vận đơn trong tay, vẫn có thể chuyển nhượng vận đơn này/bán lô hàng này cho bất kỳ ai mà người bán muốn. Nếu bạn là người mua, hãy suy xét vấn đề ở góc nhìn ngược lại để tự bảo vệ mình.
02 kiểu:
Ký hậu miễn truy đòi
Trong trường hợp A đã Ký hậu theo lệnh cho B, và B dùng vận đơn đã được A ký hậu để bán/chuyển nhượng cho một bên C khác. Nếu A không muốn liên đới chịu trách nhiệm với những khiếu nại từ C dành cho B vì những rủi ro như không nhận được hàng hoặc hàng có vấn đề về số lượng/chất lượng, thì A ghi thêm câu “Without recourse”. Ví dụ “Deliver to order of B without recourse”. Dĩ nhiên, kiểu này thường thì B chịu rủi ro nên B thường không đồng ý. Hai bên A và B nên thoả thuận rõ ngay từ đầu.
Ký hậu có truy đòi
Ngược lại với Ký hậu miễn truy đòi, là kiểu ký hậu có truy đòi. Kiểu này dĩ nhiên A vẫn còn phải liên đới chịu trách nhiệm với C. Thay vì ghi chữ “… without recourse”, A sẽ ghi “… with recourse”.
Loại B/L này dùng trong trường hợp thanh toán bằng L/C.
Ở mục"Consignee" trên vận đơn sẽ ghi "To order of [tên Ngân hàng Mở]"
Về bản chất, khi thanh toán bằng L/C, người sở hữu lô hàng thực sự cho đến khi người nhập khẩu lấy được bộ chứng từ chính là ngân hàng Mở. Ngân hàng muốn một vận đơn ghi giao hàng theo lệnh của ngân hàng là nhầm để khống chế người mua. Nếu người mua muốn lấy chứng từ từ ngân hàng này để lấy hàng thì họ phải thanh toán đủ tiền hàng cho Ngân hàng (trong trường hợp người NK chưa ký quỹ đủ 100%). Sau đó ngân hàng sẽ ký hậu lên mặt sau của vận đơn và giao vận đơn này cho người mua, thì người này mới lên hãng tàu nhận D/O lấy hàng được.
Về phía mình, khi thanh toán theo L/C, người bán chỉ cần nghe theo các yêu cầu của ngân hàng Mở trên L/C mà không cần suy nghĩ nhiều về ô consignee ghi thế nào. Vì chỉ cần thực hiện đúng yêu cầu của Ngân hàng Mở, người bán sẽ được ngân hàng thanh toán, bất kể việc lấy hàng của người mua diễn ra như thế nào.
Do vậy, việc ký hậu thế nào (ký hậu đích danh, vô danh, theo lệnh hay có truy đòi, miễn truy đòi) phụ thuộc hoàn toàn vào mối quan hệ giữa người mua và ngân hàng Mở. Người bán đứng bên ngoài cuộc chơi này. Các kiểu ký hậu này diễn ra theo cách như đã trình bày ở phần trước.
Hỏi, vận đơn theo lệnh ngân hàng Mở thường được dùng trong trường hợp thanh toán bằng L/C. Tuy nhiên, tại sao có một số trường hợp, thanh toán bằng L/C nhưng ô Consignee vẫn ghi dòng chữ “To order of shipper” hoặc “To order of [tên của consignee]” hoặc thậm chí ghi đích danh tên người mua? Dễ hiểu, trường hợp này chính là trường hợp người mua ban đầu đã ký quỹ đủ 100% tiền hàng cho ngân hàng Mở lúc mở L/C nên ngân hàng đã không còn ‘lo lắng’ nữa, và do đó, ngân hàng cũng không cần sử dụng B/L theo lệnh ngân hàng. Mọi việc, ngân hàng muốn người bán và người mua tự sắp xếp cùng nhau. Khi đó, chúng ta lại trở lại câu chuyện của Vận đơn theo lệnh người bán, hoặc Vận đơn theo lệnh người mua (ngay từ mặt trước vận đơn).
Hàng sẽ được giao theo lệnh của người nhận hàng;
Ở mục"Consignee" trên vận đơn sẽ ghi:
"To order of [ghi rõ tên, địa chỉ và số điện thoại/fax của consignee]".
Loại B/L này dùng trong trường hợp thỏa thuận thanh toán đã ‘ngã ngũ’ (người mua đã thanh toán trả trước, hoặc người mua sẽ thanh toán trả chậm, hoặc khi quyền lực nằm trong tay người mua, hoặc mối quan hệ làm ăn giữa người bán và người mua là tin tưởng. Khi đó, ngay từ mặt trước của vận đơn, người mua sẽ yêu cầu ô consignee ghi sao có lợi cho người mua. Người bán chỉ cần gửi vận đơn này đi là xem như đã hoàn thành nghĩa vụ của mình. Việc chuyển nhượng vận đơn/bán lại hàng hóa về sau hoàn toàn do người mua thực hiện bằng các loại ký hậu, tùy vào mong muốn cụ thể của người mua.
Bài viết độc quyền của tác giả: Ths. Lê Sài Gòn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Xuất Nhập khẩu Sài Gòn - SIMEX
Mọi chi tiết về Khóa học, Giảng viên và Lịch khai giảng, vui lòng tham khảo tại www.simex.edu.vn hoặc Hotline 0327567988 để được tư vấn Chuyên môn và tư vấn Khóa học xuất nhập khẩu miễn phí.