Khóa học cùng chuyên gia

Confirmed L/C - L/C Xác Nhận

L/C xác nhận trước hết hiển nhiên là một L/C Không thể huỷ ngang nên nó có thể có tên khác là Confirmed Irrevocable L/C. Trên L/C, trường Tên và loại L/C sẽ ghi: “Confirmed L/C”; ở trường “Reimbursing Bank” sẽ ghi [tên ngân hàng Xác nhận]; ở trường Confirmation Instructions sẽ ghi thêm những hướng dẫn về nghiệp vụ xác nhận này.

MỤC LỤC

    1. Confirmed L/C - L/C xác nhận

    Dẫn nhập:

    • Người XK và người NK thường chọn thanh toán tín dụng chứng từ khi người XK không tin vào uy tín hoặc năng lực tài chính của người NK. Khi đó, người NK chỉ tin vào năng lực trả tiền của Ngân hàng Mở (vì khi L/C được mở, ngân hàng Mở chính là người trả tiền cho người XK, dù người NK có trả/đồng ý trả hay không). Do vậy, người XK thường yêu cầu người NK rằng L/C phải được mở ở một ngân hàng uy tín. Khi người NK đề xuất tên của một ngân hàng mà họ định mở L/C, người XK có thể nhờ ngân hàng của mình kiểm tra độ uy tín của ngân hàng Mở đó (có thể mất phí hoặc không mất phí). Nếu ngân hàng của người XK tư vấn rằng ngân hàng Mở là không đáng tin cậy, theo lẽ thường, người XK sẽ yêu cầu người NK mở L/C ở một ngân hàng khác uy tín hơn. Nếu người NK chấp nhận mở L/C ở một ngân hàng khác thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn với người XK và người NK, câu chuyện thanh toán bằng L/C cứ diễn ra bình thường. Tuy nhiên, nếu người NK không đồng ý mở L/C ở một ngân hàng khác (vì phí mở L/C ở ngân hàng khác cao hơn, thủ tục phức tạp hơn, kém ưu đãi hơn…), hoặc người NK không thể mở L/C ở ngân hàng khác (ngân hàng đó không đồng ý mở L/C, buộc người NK phải ký quỹ nhiều…) thì việc mua bán giữa hai bên sẽ đi vào ngõ cụt. Để giải quyết việc này, người XK thường đề xuất – hoặc người NK chủ động đề xuất rằng: L/C vẫn được mở bởi ngân hàng quen thuộc ban đầu của người NK, nhưng L/C này sẽ được ‘xác nhận’ bởi một ngân hàng uy tín hơn. Ngân hàng uy tín đó tham gia vào câu chuyện này ‘xác nhận’ cho L/C này, tức là họ sẽ là người đứng ra trả tiền cho người XK (cho dù người NK và ngân hàng Mở có tiền để trả cho người XK hay không đi chăng nữa). Một ngân hàng như vậy được gọi là ngân hàng Xác nhận, và một L/C như vậy được gọi là L/C xác nhận. Rõ rang, việc sử dụng L/C xác nhận xuất phát từ quyền lợi của người XK và hành động xác nhận này có thể hiểu là giúp người XK được bảo đảm trả triền.

    • Vậy L/C xác nhận trước hết hiển nhiên là một L/C Không thể huỷ ngang nên nó có thể có tên khác là Confirmed Irrevocable L/C. Trên L/C, trường Tên và loại L/C sẽ ghi: “Confirmed L/C”; ở trường “Reimbursing Bank” sẽ ghi [tên ngân hàng Xác nhận]; ở trường Confirmation Instructions sẽ ghi thêm những hướng dẫn về nghiệp vụ xác nhận này.

    • Ngân hàng Xác nhận như đã phân tích trong phần dẫn nhập ở trên, có thể do người NK đề xuất, lúc này ngân hàng Xác nhận có thể là một ngân hàng thứ ba uy tín (ở nước NK). Khi người NK đề xuất tên của ngân hàng Xác nhận với người XK, người XK lại một lần nữa nhờ ngân hàng của mình kiểm tra/tư vấn độ uy tín của ngân hàng Xác nhận (vì người XK cho rằng ngân hàng này uy tín những người XK thì lại nghi ngại). Nếu kết quả kiểm tra cho thấy rằng Ngân hàng xác nhận ở nước người NK là kém uy tín, lúc này, để bảo vệ mình một cách trọn vẹn nhất, người XK lại yêu cầu rằng: Hãy dùng chính ngân hàng của người XK làm ngân hàng Xác nhận, tức ngân hàng Xác nhận chính là Ngân hàng Thông báo. Việc lựa chọn như vậy có các lợi ích cho các bên: Giúp người XK có thể lấy được tiền ngay tại Ngân hàng Thông báo (trong trường hợp ngân hàng Mở không thể thanh toán); giúp ngân hàng Thông báo nâng cao địa vị và uy tín của trên thị trường thanh toán; tạo doanh thu cho ngân hàng Thông báo (thông qua việc thu phí dịch vụ xác nhận).

    • Phí thực hiện L/C xác nhận ai chịu? Thông thường và hợp lý nhất thì: Nếu ngân hàng Xác nhận là ngân hàng Thông báo (ngân hàng của người XK) thì lệ phí dịch vụ xác nhận L/C sẽ do người XK trả. Nếu ngân hàng Xác nhận là ngân hàng thứ ba ở nước người NK thì lệ phí này do người NK chịu. Về bản chất, ngân hàng Xác nhận sẽ thu lệ phí này từ ngân hàng Mở, sau đó ngân hàng Mở thu lại người NK.

    Nghiep vu xuat nhap khau Confirmed L/C LC xac nhan

    Ảnh: Confirmed L/C - L/C Xác Nhận

    2. Quy trình nghiệp vụ khi sử dụng dịch vụ xác nhận từ một ngân hàng

    Như đã phân tích ở phần trên, sẽ có hai trường hợp sử dụng L/C xác nhận. Hoặc là hai bên chọn ngân hàng Xác nhận ở nước người NK, hoặc hai bên sẽ chọn ngân hàng Xác nhận ở nước người XK

    2.1. Nếu ngân hàng Xác nhận là một ngân hàng thứ ba ở nước người NK

    (Ngân hàng Xác nhận không phải là Ngân hàng Thông Báo)

    Quy trình thực hiện sẽ như sau:

    • Người XK đề nghị người NK khi mở L/C phải là L/C được xác nhận bởi một ngân hàng có uy tín khác – không phải ngân hàng Mở;

    • Người NK đề nghị Ngân hàng Mở mở L/C có sự xác nhận của ngân hàng Xác nhận;

    • Ngân hàng Mở liên hệ ngân hàng Xác nhận để yêu cầu dịch vụ xác nhận L/C;

    Ở bước này, ngân hàng Mở sẽ phải trả phí dịch vụ xác nhận cho ngân hàng Xác nhận. Trong nhiều trường hợp, ngân hàng Xác nhận yêu cầu ngân hàng Mở phải ký quỹ 100% tiền hàng mới đồng ý cung cấp dịch vụ xác nhận vì ngân hàng này không muốn gánh rủi ro cho mình. Dĩ nhiên, phí dịch vụ xác nhận lúc này sẽ thấp hơn nhiều so với trường hợp không cần ký quỹ.

    • Ngân hàng Mở đã được sự đồng ý về dịch vụ xác nhận từ ngân hàng Xác nhận nên mở L/C xác nhận và gửi L/C này cho người NK, người NK báo cho người XK về việc L/C xác nhận đã được mở. Đồng thời, ngân hàng Mở cũng sẽ gửi L/C này sang cho ngân hàng Thông Báo bằng trường điện;

    • Ngân hàng Thông báo sẽ nhận và thông báo L/C này cho người XK;

    • Người XK giao hàng cho người NK theo L/C;
    • Người bán lập BCT gửi cho Ngân hàng Thông Báo;

    • Ngân hàng Thông báo kiểm tra và gửi BCT cho Ngân hàng Xác nhận

    • Ngân hàng Xác nhận kiểm tra chứng từ, nếu chứng từ hợp lệ thì thanh toán cho người XK thông qua ngân hàng Thông báo.

    • Ngân hàng Thông báo báo tiền Có vào tài khoản của người XK.

    • Lúc này chứng từ đang nằm trong tay ngân hàng Xác nhận, để nhận được bộ chứng từ, ngân hàng Mở phải hoàn thành các thủ tục cần thiết (và/hoặc phải chuyển trả cho ngân hàng Xác nhận số tiền của L/C nếu trước đó ngân hàng Mở không ký quỹ hoặc ký quỹ một phần).

    • Chứng từ nằm trong tay của ngân hàng Mở, ngân hàng này sẽ giao chứng từ cho nhà NK như đã trình bày ở phần quy trình nghiệp vụ của L/C bình thường. Dĩ nhiên, ở bước này, người NK phải trả thêm phí xác nhận cho ngân hàng Mở - phần phí mà ngân hàng Mở đã phải trả cho ngân hàng Xác nhận trước đó.

    2.2. Nếu ngân hàng Xác nhận chính là Ngân hàng Thông Báo

    (Điều này là do người XK chủ động lựa chọn và đề xuất hai bên sử dụng)

    Quy trình thực hiện sẽ như sau:

    • Người XK đề nghị người NK mở L/C xác nhận và báo với người NK rằng mình sẽ yêu ngân hàng Thông báo làm ngân hàng xác nhận L/C cho L/C này. Đồng thời người XK sẽ làm việc với ngân hàng Thông báo để biết phí Xác nhận và các thủ tục liên quan. Thông thường, để tính toán chính xác chi phí bán hàng, người XK đã phải tìm hiểu phần phí xác nhận này trước khi làm việc với người NK về việc mở L/C.

    • Người NK đề nghị Ngân hàng Mở mở L/C có sự xác nhận của ngân hàng Xác nhận (lúc này chính là ngân hàng Thông báo). (Trong một vài trường hợp, nếu ngân hàng Thông báo và ngân hàng Mở không có mối quan hệ đại lý hoặc hiểu rõ về nhau, rất có thể ngân hàng Mở từ chối làm việc cùng ngân hàng Thông báo cho nghiệp vụ xác nhận này).

    • Ngân hàng Mở liên hệ ngân hàng Thông báo để yêu cầu triển khai dịch vụ xác nhận L/C.

    • Ngân hàng Mở đã được sự đồng ý về dịch vụ xác nhận từ ngân hàng Thông báo nên mở L/C xác nhận và gửi L/C này cho người NK, người NK báo cho người XK về việc L/C xác nhận đã được mở. Đồng thời, ngân hàng Mở cũng sẽ gửi L/C này sang cho ngân hàng Thông Báo bằng trường điện;

    • Ngân hàng Thông báo sẽ nhận và thông báo L/C này cho người XK;

    • Người XK giao hàng cho người NK theo L/C;

    • Người XK lập BCT gửi cho Ngân hàng Thông Báo – lúc này chính là ngân hàng Xác nhận;

    • Ngân hàng Thông báo kiểm tra chứng từ và thanh toán cho người XK (báo có vào tài khoản người XK);

    • Ngân hàng Thông báo gửi BCT cho Ngân hàng Mở và yêu cầu thanh toán;

    • Ngân hàng Mở kiểm tra BCT và thanh toán cho Ngân hàng Thông báo;

    • Chứng từ nằm trong tay của ngân hàng Mở, ngân hàng này sẽ giao chứng từ cho nhà NK như đã trình bày ở phần quy trình nghiệp vụ của L/C bình thường.

    Có thể thấy, rủi ro rất lớn thuộc về ngân hàng Xác nhận, nhất là trong trường hợp ngân hàng Xác nhận là Ngân hàng Thông báo, nếu ngân hàng này đã chấp nhận bộ chứng từ và đã chuyển trả tiền cho người XK nhưng sau đó lại bị ngân hàng Mở từ chối thanh toán vì bộ chứng từ bất hợp lệ. Do vậy, để bảo vệ quyền lợi cho mình, ngân hàng thường đưa ra hai hình thức xác nhận:

    Một là Xác nhận có truy đòi: (Confirmation with Recourse): Nghĩa là nếu Ngân hàng Mở không chịu trả tiền cho ngân hàng Thông báo thì Ngân hàng Thông báo sẽ đòi lại số tiền đã trả trước đó cho người bán. Dĩ nhiên, phí xác nhận trong trường hợp này sẽ thấp, vì rất rủi ro cho người XK.

    Hai là Xác nhận miễn truy đòi: (Confirmation without Recourse): Nghĩa là nếu Ngân hàng Mở không chịu trả tiền cho ngân hàng Thông báo thì Ngân hàng Thông sẽ không được quyền đòi lại số tiền đã trả trước đó cho người bán. Cách này rất rủi ro cho Ngân hàng Thông báo nên ngân hàng sẽ áp dụng với phí xác nhận cao. Ngày nay, các doanh nghiệp Xuất khẩu rất thích dùng loại L/C xác nhận miễn truy đòi nhằm đảo bảo quyền lợi của mình. Và đây cũng là loại L/C rất thường được ngân hàng chào cho các doanh nghiệp.

    Tạm kết: Qua phần trình bày các loại L/C, có thể thấy rằng, loại thư tín dụng tốt nhất đảm bảo quyền lợi cho người XK là loại thư tín dụng không thể hủy ngang, có xác nhận và không được truy đòi. Vì loại thư tín dụng này đảm bảo chắc chắn người XK thu được tiền, ổn định và không phải truy hoàn lại tiền, dù phải tốn tiền phí Xác nhận khá cao

    Bài viết độc quyền của tác giả: Ths. Lê Sài Gòn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Xuất Nhập khẩu Sài Gòn - SIMEX

    Mọi chi tiết về Khóa họcGiảng viên và Lịch khai giảng, vui lòng tham khảo tại www.simex.edu.vn hoặc Hotline 0327567988 để được tư vấn Chuyên môn và tư vấn Khóa học xuất nhập khẩu miễn phí.

    LÊ SÀI GÒN
    NCS Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh Quốc tế

    "Khi giảng dạy, tôi thường chia sẻ những điều tôi từng làm sai và lỗi lầm trong công việc và sự nghiệp, còn những cái đúng, đã có sách vở."

    BẠN ĐANG PHÂN VÂN LỰA CHỌN KHOÁ HỌC?

    Zalo tư vấn chat Simex Gọi tư vấn chat Simex Tư vấn 24/07 Zalo tư vấn chat Simex