MỤC LỤC
Khi thỏa thuận về điều khoản này trong hợp đồng. Hai bên cần ghi ít nhất các thông tin sau:
Con số
Đơn vị tính
Dung sai (Ai chọn dung sai)
Thỏa thuận về số lượng cuối cùng
Ảnh: Điều Khoản Số lượng Quantity Của Hợp Đồng Mua Bán Hàng Hóa Quốc Tế
Thường có các đơn vị sau đây:
Cân:
Kgs = kilos = Kilograms: Ký
Tons: tấn. Lưu ý trong buôn bán quốc tế, thường dùng tấn nguyên = Mectric Ton. Vì:
Long ton = LT = 1,016.047 kgs
Short ton = ST = 907,187kgs
Mectric ton = MT = 1,000kgs
Đong: Littres, gallons
Đo: M - mét tới, Mét vuông M2, Mét khối = M3 = CBM = cubic metre
Đếm:
Pieces (Pcs), units, pairs, bags, boxes, cartons, pallets (wooden pallets, steel pallets or plastic pallets), containers.
Nói thêm về các loại containers = cont (một cách cơ bản nhất)
Nếu chia theo chiều dài cont thì có Cont 20feet = 20’; cont 40feet = 40’; cont 45feet = 45’
Nếu chia theo chiều cao cont thì có Cont 8.6feet = 8.6’; cont 9.6feet = 9.6’ = HC = High Cube = Cont ‘cao’
Nếu chia theo mục đích sử dụng/cách thức chở hàng thì có Cont khô = DC (dried cont) = GP (general purpose) = Cont thường = ST (standard) = Cont Tiêu chuẩn = Hoặc không ghi gì cả; Cont lạnh = RF = RC = reefer cont = refrigerated cont = cool cont = cold cont; và còn nhiều loại cont khác.
Dung sai là những sai số, sai khác, sai biệt, sai lệch về dung trọng, thể tích, số lượng. Hiểu nôm na, dung sai là sai số về số lượng. Dung sai là mức chênh lệch về số lượng (thấp hơn hoặc cao hơn so với mức quy định trong hợp đồng) mà người bán được cho phép khi thực hiện việc giao hàng.
Ví dụ: Hợp đồng mua/bán 100MTs. Dung sai ghi +/- 5%. Có nghĩa là người bán được quyền giao từ 95 MTs đến 105 MTs đều được. Dĩ nhiên, người bán giao 98 MTs thì người mua thanh toán 98 MTs, người bán giao 103 MTs thì người mua thanh toán 103 MTs.
Vì sao phải thỏa thuận dung sai trong hợp đồng:
Dung sai bảo vệ được người bán
Trong trường hợp dây chuyền sản xuất bị hỏng, người bán không thể giao đủ số lượng 100 MTs, chỉ giao được 98 MTs, lúc này người mua không thể bắt người bán đền bù thiệt hại do giao thiếu hàng.
Trong trường hợp người bán phải cố dùng hết nguyên liệu đầu vào, sản xuất ra và giao hết 103 MTs, lúc này người mua buộc phải lấy 03 MTs giao dư và không thể bắt người bán đền bù thiệt hại do giao thừa hàng ngoài dự kiến.
Dung sai bảo vệ được người mua
Tương tự cách phân tích trên, nếu người bán giao hàng thiếu quá nhiều so với 100 MTs, sẽ gây khó khăn cho người mua trong việc đáp ứng các đơn hàng với khách hàng của họ (thậm chí phải đền bù hợp đồng). Do vậy, quy định dung sai khiến người bán thực hiện đúng/đủ trách nhiệm giao hàng của mình (trong khoản thiếu cho phép mà thôi);
Tình huống khác, nếu người bán giao hàng dư quá nhiều so với 100 MTs, sẽ đẩy người mua vào tính huống nhận hàng không mong muốn, chưa kể phát sinh các chi phí lưu kho, hoặc tệ hơn là không biết bán lượng hàng thừa đi đâu. Do vậy, quy định dung sai giúp người mua khống chế và kiểm soát được việc này (người bán chỉ được giao thừa trong khoản cho phép mà thôi).
Cần phân biệt Dung sai và Mức hao hụt cho phép
Hai bên cần phân biệt Dung sai (Tolerance) và Hao hụt cho phép (Accepted shortage).
Ví dụ sau đây sẽ giúp người đọc hiểu rõ sự khác nhau này.
Điều khoản số lượng trên hợp đồng ghi:
“100MTs = 1,000 bags of rice per container x 25kg per bag = 04x20’DC.
Tolerance: +/- 5%”
Biên bản kiểm định của đơn vị kiểm định độc lập xác nhận số lượng được giao thực tế là 98 MTs. Người bán xuất hoá đơn 100 MTs và yêu cầu người mua thanh toán đủ 100 Triệu VNĐ (giả sử giá là 1tr/tấn). Người mua đã thanh toán trả trước khi giao hàng, đủ 100tr VNĐ. Nay hàng thiếu, họ muốn đòi lại 2 triệu. Người bán không trả, vì cho rằng dung sai là 5% nên việc họ giao 98 MTs là hợp lý vì đây là khoản hao hụt số lượng được cho phép giao thiếu. Tức người bán hiểu Tolerance là Hao hụt số lượng được cho phép. Cách hiểu này của người bán là hoàn toàn sai.
Vậy Mức hao hụt được cho phép là gì?
Đối với một số loại hàng thường có hao hụt do đặc tính tự nhiên, (ví dụ sầu riêng tươi lúc giao hàng còn sống – trọng lượng nặng, nhưng khi đến đích thì đã chín nên trọng lượng vơi đi). Vì cả người mua và người bán đều hiểu đặc tính này, nên nếu người mua chấp nhận, họ sẽ ghi trong hợp đồng là:
Hoặc ghi: “Quantity at loading port is final quantity.”
Hoặc ghi: “Shortage of 2% of weight is acceptable.”
Tức, hóa đơn người bán lên 100 MTs, người mua đã trả 100 triệu, nhưng khi nhận hàng về cân lại chỉ còn 98 MTs thôi, người mua cũng phải chấp nhận việc này và không được khiếu nại người bán. Đây là cách hiểu chính xác của Mức hao hụt cho phép. Và khác cách hiểu của Dung sai.
Cách hiểu giống như chất lượng cuối cùng. Hai mục này ở hai điều khoản chất lượng và số lượng phải ghi đồng nhất với nhau.
Ví dụ cụ thể của một điều khoản số lượng hoàn chỉnh:
100MTs = 1,000 bags of rice per container x 25kg per bag = 04x20’DC
Tolerance: +/- 5% (Buyer’s option)
THE QUANTITY AT LOADING PORT SHALL BE THE FINAL QUANTITY.
Tham khảo thêm một vài thuật ngữ:
Khối lượng cả bì (Gross weight): khối lượng hàng hoá cùng với khối lượng của các loại bao bì.
Khối lượng tịnh (Net weight): trọng lượng thực tế của hàng hoá.
Net weight = Gross weight – tare (bì)
Có các loại khối lượng tịnh:
Khối lượng tịnh thuần tuý (net net weight)
Khối lượng nửa tịnh (semi net weight)
Khối lượng tịnh luật định (legal net weight)
Bài viết độc quyền của tác giả: Ths. Lê Sài Gòn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Xuất Nhập khẩu Sài Gòn - SIMEX
Mọi chi tiết về Khóa học, Giảng viên và Lịch khai giảng, vui lòng tham khảo tại www.simex.edu.vn hoặc Hotline 0327567988 để được tư vấn Chuyên môn và tư vấn Khóa học xuất nhập khẩu miễn phí.