TABLE OF CONTENTS
Trong thị trường tuyển dụng hiện nay, ngành xuất nhập khẩu, ngoại thương là một trong những ngành được đánh giá là nóng nhất, thu hút nhiều nhất nhu cầu tìm việc từ phía người lao động.
Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong ngành này, người ứng tuyển trước hết cần chuẩn bị cho mình một hồ sơ ứng tuyển thật hoàn chỉnh, đầy đủ và phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Trong đó, CV form là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu để giúp ứng viên thu hút được nhà tuyển dụng.
Dưới đây, SIMEX sẽ chia sẻ cùng người đọc một vài kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị soạn thảo một CV hoàn hảo gửi đến nhà tuyển dụng.
Về mặt hình thức, có rất nhiều kênh phong phú trong đó cung cấp cho ứng viên những mẫu CV rất đẹp và chuẩn mực về mặt hình thức. SIMEX sẽ đề phân tích nội dung này ở một bài viết khác.
Về mặt nội dung, bên cạnh những vấn đề cơ bản như thông tin cá nhân; trình độ học vấn, học vị; năng lực và kỹ năng mềm, ứng viên cần chuẩn bị thật tốt phần Kiến thức, kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành mà muốn ứng tuyển.
A. Những kỹ năng cứng cần ưu tiên đưa vào CV theo thứ tự mức độ quan trọng đối với từng vị trí công việc
Như đã phân tích trong bài viết Cơ hồi nghề nghiệp trong ngành xuất nhập khẩu, SIMEX đã giúp các bạn hiểu rõ các vị trí công việc trong ngành này. Để làm việc trong lĩnh vực ngoại thương xuất nhập khẩu, sinh viên cần chuẩn bị cho mình những nhóm kiến thức cơ bản sau đây:
- Vốn tiếng Anh thương mại (1);
- Kiến thức về sản phẩm, ngành hàng (2);
- Kiến thức về kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương (3);
1. Nhân viên kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đối với vị trí này, tiêu chí (1) được ưu tiên trên hết trong các tiêu chí tuyển dụng của doanh nghiệp, vì nghề kinh doanh hàng hóa quốc tế đòi hỏi một kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ thuần thục, thậm chí xuất sắc. Đồng thời, kỹ năng ngoại ngữ không thể được đào tạo trong thời gian ngắn, do vậy ưu tiên tuyển dụng của doanh nghiệp đối với nghề kinh doanh xuất nhập khẩu sẽ tập trung vào tiêu chí này trước hết.
Trong khi đó nhóm tiêu chí (2) và (3) là hai yếu tố có thể đào tạo được trong thời gian ngắn, và xếp sau tiêu chí (1). Hai tiêu chí (2) và (3) có thể hoán đổi vị trí quan trọng cho nhau tùy theo mỗi ngành hàng và yêu cầu công việc. Ví dụ, một số sản phẩm đòi hỏi nhân viên sales phải có kiến thức chuyên ngành kỹ thuật, lý học, hóa học... và phải được đào tạo bài bản mới hiểu được sản phẩm và có thể bán hàng được, khi đó, tiêu chí (2) sẽ được ưu tiên, tiêu chí (3) sẽ xếp là thứ yếu, và được doanh nghiệp đào tạo dần, đôi khi tiêu chí (2) lấn lướt cả tiêu chí (1)trong tuyển dụng. Ngược lại, một số sản phẩm đơn giản (như sản phẩm nông lâm ngư nghiệp...) không đòi hỏi nhân viên sales phải có kiến thức chuyên ngành về sản phẩm, khi đó tiêu chí (3) có thể sẽ được ưu tiên hơn tiêu chí (2). Do vậy, tùy yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, sinh viên cần xây dựng đúng thế mạnh của mình khi ứng tuyển để đáp ứng đúng nhu cầu doanh nghiệp.
2. Đối với vị trí nhân viên theo dõi và triển khai đơn hàng xuất nhập khẩu
Với vị trí này, tiêu chí (2) sẽ là ưu tiên hàng đầu, kế đến là tiêu chí (1) hoặc tiêu chí (3) là tiêu chí ưu tiên kế tiếp. Vì công việc của nhân viên theo dõi và triển khai đơn hàng xuất nhập khẩu là hỗ trợ đắc lực cho nhân viên Sales, do đó phải am hiểu các khâu nghiệp vụ và kỹ thuật ngoại thương, đảm bảo phải thuần thục các khâu như hợp đồng ngoại thương, điều kiện thương mại, vận tải, theo dõi thanh toán, công nợ, giải quyết khiếu nại...
3. Đối với nhân viên khai báo hải quan (văn phòng và hiện trường) và thủ tục giấy tờ xuất nhập khẩu
Với vị trí này, cả 3 tiêu chí nêu trên đều không hoặc ít được xét đến. Trong khi đó kiến thức và kỹ năng thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến khai bảo hải quan và thủ tục giấy tờ, khả năng làm việc với các cơ quan công quyền bên thứ ba như hải quan, cơ quan cấp C/O... lại là yếu tố quyết định (4). Ngoại ngữ, kiến thức sản phẩm và kỹ thuật nghiệp vụ kinh doanh hàng hóa ngoại thương chỉ là yếu tố thứ yếu.
4. Nhân viên kinh doanh cước vận tải quốc tế
Vị trí công việc này trước hết đòi hỏi nhóm kiến thức về hoạt động vận tải như một điều bắt buộc (5). Ngoại ngữ là yếu tố cần được chuẩn bị tốt nếu sinh viên muốn làm việc tại các Freight FWD hoặc Shipping Lines Agency nước ngoài tại Việt Nam.
B. Cách thức trình bày các kinh nghiệm, kỹ năng này trong mục mô tả kinh nghiệm làm việc.
Thông thường, sai lầm của ứng viên là ưu tiên đưa phần kinh nghiệm hoặc kỹ năng mà mình mạnh nhất trong mục mô tả kinh nghiệm làm việc, mà không quan tâm đến thứ tự quan trọng trong yêu cầu công việc của doanh nghiệp (Job description), thứ mà doanh nghiệp đang cần và đang mong muốn trước hết từ ứng viên. Do vậy, ứng viên cần:
- Đọc kỹ mô tả công việc của nhà tuyển dụng xem nhà tuyển dụng mô tả công việc nào để đưa vào đúng thế mạnh của mình;
- Sao chép, chỉnh sửa và thêm vào các kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn của mình nhưng phải giữ đúng thứ tự trình bày về yêu cầu công việc của nhà tuyển dụng.
- Nếu mô tả công việc của nhà tuyển dụng là chung chung và thiếu chi tiết thì ứng viên phải tự mô tả kinh nghiệm chuyên môn của mình theo thứ tự logic nhất, đầy đủ và phù hợp nhất của từng vị trí công việc yêu cầu.
Nếu chưa hiểu rõ từng vị trí công việc trong ngành này cần các kiến thức và kỹ năng chuyên môn gì, người đọc có thể tham khảo hệ thống các công việc được SIMEX mô tả chi tiết TẠI ĐÂY.
SIMEX là một trong những trung tâm cung cấp các khóa đào tạo chuyên sâu cho các vị trí chuyên viên ngành ngoại thương hàng đầu Việt Nam hiện nay. Mọi thông tin xin liên hệ website www.xuatnhapkhausaigon.vn hoặc Hotline 0327 567 988.