MỤC LỤC
Hai nghị sĩ Mỹ mới đây đã gửi thư kêu gọi Tổng thống Donald Trump áp thuế 100% đối với gạo nhập khẩu từ các nước châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc và Pakistan. Họ lập luận rằng, ngành lúa gạo Mỹ đang chịu áp lực cạnh tranh từ gạo nhập khẩu được trợ cấp.
Ngày 13-2, hai nghị sĩ Hạ viện Mỹ, Clay Higgins và Julia Letlow, đã gửi thư cho Tổng thống Trump bày tỏ lo ngại về sự gia tăng nhập khẩu gạo, cho rằng điều này đang ảnh hưởng tiêu cực đến nông dân trồng lúa và các nhà máy xay xát gạo trong nước.
Bức thư nhấn mạnh: “Nông dân và các doanh nghiệp chế biến gạo Mỹ đóng góp hơn 34 tỉ đô la vào nền kinh tế thông qua việc làm, đầu tư và kinh doanh. Tuy nhiên, ngành này đang gặp khó khăn do sự cạnh tranh từ gạo nhập khẩu được trợ cấp.”
Theo hai nghị sĩ này, nhập khẩu gạo vào Mỹ đã tăng gấp đôi trong vòng một thập kỷ, đạt mức kỷ lục 1,5 tỉ đô la vào năm 2024. Điều này gây áp lực giảm giá gạo nội địa và ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất gạo ở miền Nam nước Mỹ và California. Vì vậy, họ đề xuất áp thuế lên tới 100% đối với gạo nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc và Pakistan nhằm “tạo sân chơi công bằng” cho doanh nghiệp Mỹ.
Hiện tại, Mỹ không đánh thuế nhập khẩu đối với gạo. Tuy nhiên, Scott Franklin, thành viên hội đồng quản trị của Liên đoàn lúa gạo Mỹ (USA Rice), ủng hộ việc áp thuế và cáo buộc một số quốc gia châu Á trợ cấp vượt mức cho phép của WTO.
“Các nước như Ấn Độ và Thái Lan đã vi phạm quy định của WTO trong nhiều năm. Nếu họ không tuân thủ luật chơi, Mỹ cũng nên có biện pháp đáp trả”, Franklin nói với USA Today Network.
Theo thông báo của Ấn Độ gửi WTO năm 2022, nước này đã chi 6,9 tỉ đô la để hỗ trợ nông dân trồng lúa trong niên vụ 2021-2022. Mỹ cho rằng mức trợ cấp này chiếm tới 15,14% tổng giá trị sản lượng lúa gạo, vượt mức 10% mà WTO cho phép. Tuy nhiên, Ấn Độ lập luận rằng họ được miễn trừ theo “Điều khoản hòa bình” của WTO, vốn dành cho các nước đang phát triển để đảm bảo an ninh lương thực.
Dữ liệu từ S&P Global Commodity Insights cho thấy nhập khẩu gạo của Mỹ tiếp tục tăng, đạt 1,4 triệu tấn trong năm 2024, tăng 7% so với năm trước. Trong đó, Thái Lan là nhà cung cấp lớn nhất với 786.582 tấn, trong khi Việt Nam chỉ chiếm thị phần nhỏ. Theo usimportdata.com, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 30,84 triệu đô la gạo sang Mỹ, chiếm 2,2% thị phần, xếp sau Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc.
Thị trường Mỹ chủ yếu nhập khẩu gạo thơm từ châu Á, bao gồm gạo jasmine của Thái Lan và gạo basmati từ Ấn Độ, Pakistan. Mặc dù giá gạo thơm Thái Lan cao hơn so với gạo sản xuất tại Mỹ, người tiêu dùng vẫn ưa chuộng sản phẩm này vì chất lượng tốt hơn. Hiện tại, gạo thơm Thái Lan có giá khoảng 1,6 đô la/pound (0,453 kg), cao hơn so với mức 1,2 đô la/pound của gạo thơm nội địa Mỹ.
Sự suy giảm của giá gạo toàn cầu cũng đang tạo thêm áp lực lên thị trường Mỹ. Hiện tại, gạo trắng hạt dài 4% tấm của Mỹ đang giao dịch ở mức 659 đô la/tấn, giảm 141 đô la so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu Mỹ quyết định áp thuế 100% đối với gạo nhập khẩu, Việt Nam có thể chịu tác động nhất định, dù không phải là nhà cung cấp gạo chính của Mỹ. Tuy nhiên, điều này có thể ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu gạo nói chung, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng và chính sách bảo hộ thương mại ngày càng siết chặt.
(Theo S&P Global, Shreveport Times, USA Rice)