MỤC LỤC
Letter of Credit: Thư tín dụng là một văn bản do ngân hàng phát hành theo yêu cầu của khách hàng của họ (tức người nhập khẩu), trong thư này, ngân hàng cam kết trả một số tiền nhất định trong một thời hạn nhất định cho người thụ hưởng (người xuất khẩu) khi người này xuất trình một bộ chứng từ hợp lệ với các yêu cầu của thư tín dụng đó.
Thư tín dụng nói riêng hay Tín dụng chứng từ nói chung là giao dịch riêng biệt với hợp đồng thương mại. Ngân hàng không bị liên quan hoặc ràng buộc với hợp đồng thương mại, ngay cả có dẫn chiếu đến các hợp đồng đó. Hiểu một cách nôm na, việc trả tiền của ngân hàng cho người XK không liên quan đến những tranh chấp khiếu nại giữa người XK và người NK.
Ảnh: Nội Dung Của Một Thư Tín Dụng Letter of Credit L/C
Việc mở được L/C sẽ cho thấy khả năng “có tiền” người NK (và khả năng thanh toán của ngân hàng Mở). Do vậy, Người XK nhận được L/C mới yên tâm giao hàng. L/C được mở càng sớm thì người XK càng yên tâm.
Trong khi đó, Người NK luôn chần chừ mở L/C vì không muốn bị giam tiền/ký quỹ vào ngân hàng sớm.
Vì vậy hai bên nên thoả thuận rõ thời điểm mở L/C, cũng như trách nhiệm trong việc chậm mở L/C dẫn đến giao hàng trễ và chế tài phạt chậm mở L/C trong hợp đồng buôn bán.
Vậy thời điểm mở L/C lúc nào là an toàn cho người XK?
Người XK phải căn cứ vào kế hoạch làm hàng của mình, để thúc giục người NK mở L/C:
Lúc NK nguyên vật liệu
Lúc tổ chức sản xuất/NK hàng về kho
Lúc bắt đầu vận chuyển hàng ra cảng
Lúc giao hàng lên tàu. Đây cũng là mốc an toàn cuối cùng của người bán.
Nhìn trình tự công việc, có thể thấy rằng, nếu người XK càng nhân nhượng thời điểm mở L/C chậm, sẽ gây bất lợi cho người XK.
Thời điểm nào là an toàn cho người người NK?
Dĩ nhiên, người NK muốn trì hoãn mở L/C càng chậm càng tốt, càng gần thời điểm hàng lên tàu càng tốt;
Chậm chí người NK muốn trì hoãn đến lúc hàng đến đích càng tốt (trường hợp này gần như không bao giờ xảy ra).
Tùy vào sự tin tưởng của hai bên dành cho nhau mà thời điểm mở L/C có thể được cân nhắc như phân tích ở trên.
Trên L/C, ngày mở L/C được thể hiện ở trường :31C: DATE OF ISSUE và được ghi theo kiểu Năm/tháng/ngày.
Ví dụ:
:31C: DATE OF ISSUE
300102 (tức là ngày 02, tháng 01 năm 2030)
Số L/C do ngân hàng Mở ghi.
Ví dụ:
:20: DOCUMENTARY CREDIT NUMBER
IC640910H
Loại L/C thường là loại Huỷ ngang hoặc Không Huỷ ngang. Nếu không có mục này, L/C được hiểu là L/C Không huỷ ngang.
Ví dụ:
:40: FORM OF DOCUMENTARY CREDIT
* Tên ngân hàng Mở
:52A: ISSUING BANK:
Trường hợp sử dụng L/C xác nhận, ở mục này sẽ ghi tên ngân hàng Mở với tiêu đề như trường :51A bên dưới.
:51A: APPLICANT BANK:
Lúc này, trên L/C sẽ xuất hiện thêm tên của một ngân hàng nữa, đó chính là ngân hàng Xác nhận hay ngân hàng Hoàn trả = ngân hàng Trả tiền. (sẽ hiểu rõ ở phần L/C xác nhận).
:53A: REIMBURSING BANK
* Tên ngân hàng Thông báo
:57D: ADVISE THROUGH BANK:
* Tên người yêu cầu mở L/C: mục này ghi tên của người NK
:50: APPLICANT:
* Tên của người thụ hưởng: mục này ghi tên của người XK
:59: BENEFICIARY
:32B: CURRENCY CODE, AMOUNT.
Số tiền này ghi đúng như số tiền trên hợp đồng. Ví dụ: USD27,800.50
:39A: PERCENTAGE CREDIT AMOUNT
Vì trong hợp đồng, điều khoản số lượng có dung sai, nên số tiền trên L/C cũng phải có dung sai. L/C có thể hiện dung sai theo tỷ lệ phần trăm hoặc bằng khoản tiền lớn nhất mà người thụ hưởng được thanh toán. Nếu L/C không ghi mục này thì ngân hàng được phép thanh toán cho một dung sai +/- 5%.
Thời hạn hiệu lực của L/C
Là thời hạn được xác định từ ngày mở L/C cho đến Ngày hết hạn hiệu lực của L/C, là ngày mà ngân hàng Mở kết thúc cam kết trả tiền của mình. Đồng thời, dù thời hạn hiệu lực của L/C có kéo dài bao lâu đi chăng nữa, nếu ngân hàng Mở trả tiền xong thì L/C sẽ hết hiệu lực.
Bất kì L/C nào cũng phải quy định ngày hết hạn hiệu lực trong L/C. Nếu không quy định ngày này, L/C là vô hiệu lực thực hiện.
Vì ngân hàng Mở chỉ thanh toán tiền hàng khi người XK xuất trình bộ chứng từ trong thời hạn này, nên người XK phải hết sức lưu ý khi thảo luận với người NK về mục này trong hợp đồng.
Người XK sẽ phải tính toán để đảm bảo L/C còn hiệu lực sau khi cộng tất cả các thời gian sau, tính từ ngày hàng lên tàu:
Thời gian chuyển L/C từ Ngân hàng Mở đến Ngân hàng Thông báo
Thời gian Ngân hàng Thông báo kiểm tra L/C, yêu cầu tu chỉnh L/C (confirm qua lại nếu có)
Thời gian để người XK kiểm tra L/C
Thời gian để người XK làm hàng, giao hàng
Thời gian người XK chuẩn bị bộ chứng từ
Thời gian để gửi bộ chứng từ đến Ngân hàng Thông Báo
Thời gian Ngân hàng Thông báo gửi chứng từ đến Ngân hàng Mở
Trong thực tế, theo tập quán kinh doanh thường thấy, sau khi tính toán được tất cả các thời gian trên, hai bên sẽ chọn ngày hết hạn L/C là ngày cuối cùng mà người XK có thể xuất trình bộ chứng từ tại ngân hàng Mở (đối với thanh toán trả ngay), và ngày hết hạn L/C là ngày cuối cùng đáo hạn thanh toán (đối với thanh toán trả chậm).
Nơi hết hạn hiệu lực
Thường sẽ có 2 trường hợp:
L/C ghi Ngày và nơi hết hạn hiệu lực ở nước người XK (tức là tại Ngân hàng Thông Báo)
L/C ghi Ngày và nơi hết hạn hiệu lực ở nước người NK (tức là tại Ngân hàng Mở)
Người XK sẽ muốn chọn Nơi hết hạn hiệu lực ở nước người XK. Vì, lúc này người XK chỉ cần xuất trình bộ chứng từ tại ngân hàng Thông Báo là xong nghĩa vụ của mình, không cần quan tâm và sợ rủi ro ngân hàng Thông báo chậm gửi bộ chứng từ sang Ngân hàng Mở.
Nếu mục này L/C quy định trái ý người XK, người XK có thể thảo luận với người NK để người NK đề nghị ngân hàng sửa lại L/C.
Ví dụ:
:31D: DATE AND PLACE OF EXPIRY
180529 IN VIETNAM
Hiểu ngắn gọn, nếu L/C quy định thời hạn và nơi hết hạn hiệu lực ở đâu thì người bán phải xuất trình bộ chứng từ ở đó và phải trong thời hạn hiệu lực của L/C. Khi kiểm tra L/C, người bán cần đối chứng hai mục này cho khớp.
Người bán phải tính toán xem bao nhiêu ngày là hoàn thành xong bộ chứng từ để xuất trình đúng thời hạn xuất trình cam kết trong L/C.
Nếu hai bên không thoả thuận về điều này trong hợp đồng mua bán, thì theo UCP600, Chứng từ phải được xuất trình trong vòng 21 ngày (theo lịch) kể từ ngày phát hành B/L và phải trong thời hạn hiệu lực của L/C. Đây cũng là lựa chọn thường thấy trong hợp đồng được thoả thuận giữa hai bên.
Người bán có thể gặp khó khăn trong việc chuẩn bị bộ chứng từ/hoặc bộ chứng từ sẽ bị ách lại ở chỗ Ngân hàng Thông báo do phải kiểm tra/sửa chữa/làm lại nên sẽ chậm trễ dẫn tới việc người NK chậm lấy được bộ chứng từ, đồng nghĩa chậm lấy được hàng, phát sinh chi phí và gây thiệt hại cho người NK. Vì vậy, hai bên nên thoả thuận rõ thời điểm xuất trình bộ chứng từ, trách nhiệm của việc xuất trình trễ và chế tài phạt chậm xuất trình chứng từ trong hợp đồng buôn bán.
Người NK hãy cố gắng quy định trong hợp đồng thời hạn xuất trình bộ chứng từ càng sớm càng tốt (nhưng phải theo thông lệ ngành hàng/thực tế ở nước xuất khẩu…)
Lưu ý: Trong thực tế, hai bên sẽ lựa chọn ngày hết hạn hiệu lực của L/C trùng với ngày cuối cùng của thời hạn mà người bán xuất trình bộ chứng từ. Do vậy, quan trọng là người XK và người NK phải đàm phán với nhau thời hạn xuất trình bộ chứng từ sao cho có lợi cho hai bên. Còn ngân hàng Mở chỉ làm theo nguyện vọng của hai bên.
Ví dụ:
The documents must be presented within 21 days from ETD date.
:41D: AVAILABLE WITH… BY…
Mục này có nghĩa việc trả tiền cho người XK sẽ được thực hiện bởi ngân hàng nào và sẽ trả bằng cách nào. Mục này phụ thuộc vào lợi ích của người XK, và phụ thuộc vào loại L/C hai bên muốn sử dụng. Muốn hiểu rõ mục này, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm ở phần các loại L/C, các nghiệp vụ trong thanh toán bằng L/C.
Vài cách thực hiện đó có thể nêu ra ở đây:
Thực hiện bằng cách trả ngay
Nếu trả ngay tại ngân hàng Mở, mục này ghi: “Available with [tên ngân hàng Mở] by payment at sight”;
Nếu trả nay tại ngân hàng Trả tiền (trong trường hợp dùng L/C có xác nhận), mục này ghi “Available with [tên ngân hàng Xác nhận/ngân hàng Trả tiền] by payment at sight.”
Nghiệp vụ này tương đương với loại L/C mang tên L/C trả ngay – L/C at sight.
Thực hiện bằng cách chiết khấu bộ chứng từ
Nếu ngân hàng chiết khấu là ngân hàng Thông báo, thì mục này ghi: “Available with [tên ngân hàng Thông báo] by Negotiation”;
Nếu ngân hàng chiết khẩu là bất kỳ ngân hàng nào, thì mục này ghi: “Available with any bank by Negotiation”.
Thực hiện bằng cách ký chấp nhận Hối phiếu trả chậm
Nếu bên ký chấp nhận là ngân hàng Mở thì mục này ghi: “Available with [tên ngân hàng Mở] by Acceptance”;
Nếu bên ký chấp nhận là ngân hàng Trả tiền/ngân hàng Xác nhận thì mục này ghi: “Available with [tên ngân hàng Trả tiền/ngân hàng Xác nhận] by Acceptance”.
Nghiệp vụ này tương đương với loại L/C mang tên L/C Chấp nhận nợ - Acceptance L/C
Thực hiện bằng cách ngân hàng Mở sẽ trả tiền chậm bằng cách phát hành một Cam kết trả tiền
Nếu bên phát hành Cam kết trả tiền là ngân hàng Mở, thì mục này ghi: “Available with [tên ngân hàng Mở] by a payment commitment”;
Nếu bên phát hành Cam kết trả tiền là ngân hàng Trả tiền/ngân hàng Xác nhận, thì mục này ghi: “Available with [tên ngân hàng Trar tiền/ngân hàng Xác nhận] by a payment commitment”.
Nghiệp vụ này tương đương với L/C mang tên L/C trả chậm – Defferred L/C.
Trong trường hợp thanh toán trả chậm bằng hối phiếu, L/C sẽ có quy định thêm về kỳ hạn của Hối phiếu và người bị ký phát, ở trường:
:42C: DRAFTS AT…: (kỳ hạn hối phiếu)
:42A: DRAWEE: (người bị ký phát)
Ví dụ:
:42C: DRAFTS AT…:
90 DAYS SIGHT FOR 100PCT INVOICE VALUE, IN DUPLICATE
:42A: DRAWEE: (mục này có thể là tên của ngân hàng Mở hoặc ngân hàng Xác nhận-nếu dùng L/C xác nhận)
* Giao hàng từng phần
:43P: PARTIAL SHIPMENTS
* Chuyển tải:
:43T: TRANSSHIPMENT
* Cảng biển/sân bay đi
:44E: PORT OF LOADING/AIRPORT OF DEPARTURE
* Cảng biển/sân bay đi
:44F: PORT OF DISCHARGE/AIRPORT OF DESTINATION
Những mục trên đây thường ghi giống như hợp đồng
* Ngày giao hàng (hay nói chính xác là ngày giao hàng muộn nhất)
:44C: LATEST DATE OF SHIPMENT
Trên L/C sẽ ghi ngày giao hàng trễ nhất mà người XK được phép giao (chứng từ vận tải – Bill of lading phải thể hiện đúng theo yêu cầu này).
Mục này ngân hàng Mở ghi dựa vào thoả thuận trên hợp đồng mua bán. Và đây là một trong những mục khiến chứng từ vận tải của người XK bất hợp lệ nhiều nhất. Trong hợp đồng mua bán, người XK không nên dùng những cụm từ xác định thời gian giao hàng chính xác như: “on 16th May 20xx”, mà nên dùng những cụm từ mang ý nghĩa khoảng thời gian, vừa có lợi cho người XK, vừa không sợ rủi ro chứng từ vận tải vướng bất hợp lệ của ngân hàng. Mời bạn đọc tham khảo thêm ở phần Chuẩn bị chứng từ theo phương thức thanh toán L/C.
:45A: DESCRIPTION OF GOODS AND/OR SERVICES
Phần này thường có các thông tin:
Tên hàng (bắt buộc phải có, ghi giống như hợp đồng)
Đơn giá + điều kiện bán hàng (đôi khi không có mục này)
Tổng trị giá (đôi khi không có mục này vì đã được ghi ở phần số tiền ở trường “:32B:”)
Số lượng (đôi khi không có mục này)
Dẫn chiếu số hợp đồng (đôi khi không có mục này)
:46A: DOCUMENTS REQUIRED
Phần này L/C sẽ ghi dựa trên bộ chứng từ mà người NK yêu cầu người XK chuẩn bị theo hợp đồng ngoài thương. Ngoài ra, nhằm bảo vệ quyền lợi của mình, ngân hàng Mở cũng sẽ chủ động yêu cầu thêm một số chứng từ theo tập quán của họ. Phần nội dung này sẽ được trình bày cụ thể trong phần Chuẩn bị bộ chứng từ thanh toán theo phương thức thanh toán là L/C.
:47A: Additional Requires
Ngoài những yêu cầu về bộ chứng từ hàng hóa, một L/C có thể yêu cầu người XK chuẩn bị thêm các chứng từ khác theo yêu cầu riêng của ngân hàng Mở hoặc của người Nhập khẩu. Trường này cũng có thể có những yêu cầu về mặt ngôn ngữ của L/C.
:71B: CHARGES
Trường này thường phân chia ai phải chịu phụ phí ngân hàng. Thông thường, phí ngân hàng bên nào thì bên đó chịu.
:49: CONFIRMATION INSTRUCTIONS
Nếu có sự xuất hiện của ngân hàng xác nhận cùng với nghiệp vụ Xác nhận L/C, mục này sẽ ghi rõ tên của ngân hàng Xác nhận. Nếu không có nghiệp vụ xác nhận, trường này sẽ ghi “WITHOUT” – không có nghiệp vụ xác nhận.
:78: INSTRUCTIONS TO THE PAYING/ACCEPTING/NEGOTIATING BANK
Thông thường, trường này hay ghi cách thức ngân hàng Mở sẽ trả tiền cho bên người XK (cho phép TTR hay không cho phép TTR). Hướng dẫn cách thức, địa chỉ mà ngân hàng Thông báo sẽ gửi chứng từ đến cho ngân hàng Trả tiền/ngân hàng Mở/Ngân hàng Xác nhận…
Ví dụ, trường này ghi:
“REIMBURSEMENT BY TELECOMUNICATION IS PROHIBITED”
Hoặc ghi khác đôi chút, nhưng cùng ý nghĩa: “TTR IS NOT ACCEPTABLE”
Ghi như vậy có nghĩa là gì? TTR - Telegraphic Transfer Reimbursement - Đây chính là thỏa thuận về cách mà ngân hàng Mở sẽ trả tiền cho ngân hàng Thông báo. Ngân hàng Thông báo thì muốn: (1) chỉ cần đánh một bức điện đòi tiền (telephraphic transfer – t/t), thì ngân hàng Mở sẽ phải chuyển tiền/trả tiền/reimburse, bộ chứng từ sẽ được gửi sau/đến sau cho ngân hàng Mở. Lúc này, rủi ro sẽ thuộc về ngân hàng Mở (vì bộ chứng từ có thể bất hợp lệ, làm giả hoặc thất lạc chứng từ). Còn ngân hàng Mở thì muốn: (2) phải nhận được bộ chứng từ rồi mới chuyển tiền cho ngân hàng Thông báo, chứ không chỉ một bức điện đòi tiền (telephraphic transfer – t/t) mà đã chuyển tiền cho bên kia.
Do vậy mà trên L/C được mở ra, phần lớn các ngân hàng Mở thường yêu cầu nội dung: “TTR is not acceptable” = “Telephraphic Tranfer Reimbursement is not acceptable”. Ghi như vậy nghĩa là ngân hàng Mở muốn như trường hợp thứ (2), và tạm dịch là “không cho phép ngân hàng Thông báo đòi tiền bằng điện” và ngân hàng Mở phải nhận được chứng từ rồi mới trả tiền cho ngân hàng Thông báo.
Trong trường hợp người XK muốn sử dụng dịch vụ xác nhận và/hoặc chiết khấu chứng từ bởi ngân hàng Thông báo, ngân hàng Thông báo thường muốn L/C được mở phải ghi “TTR acceptable”. Người bán phải hiểu tập quán này và thỏa thuận trước với người NK – để nhận được sự đồng ý từ ngân hàng Mở. Nếu ngân hàng Thông báo và ngân hàng Mở có mối quan hệ chi nhánh của cùng ngân hàng mẹ - hoặc quan hệ đại lý thân thiết cùng nhau, việc thỏa thuận về TTR là tương đối dễ dàng.
:57D: ‘ADVISE THROUGH’ BANK
Mục này sẽ ghi tên của ngân hàng mà việc thông báo L/C sẽ được thực hiện thông qua ngân hàng đó.
Bài viết độc quyền của tác giả: Ths. Lê Sài Gòn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Xuất Nhập khẩu Sài Gòn - SIMEX
Mọi chi tiết về Khóa học, Giảng viên và Lịch khai giảng, vui lòng tham khảo tại www.simex.edu.vn hoặc Hotline 0327567988 để được tư vấn Chuyên môn và tư vấn Khóa học xuất nhập khẩu miễn phí.