Khóa học cùng chuyên gia

Sử dụng L/C chuyển nhượng và L/C giáp lưng trong buôn bán ba bên

Trong hoạt động mua bán qua trung gian (mua bán ba bên), Trader - công ty thương mại (hay có thể là Broker – công ty môi giới) tức người đứng giữa mua đi bán lại kiếm lời sẽ luôn có hai mong muốn cố hữu. Một là, phải giấu giá đi (không cho người XK biết giá mà trader sẽ bán cho người NK, đồng thời, trader cũng không cho người NK biết giá mà trader đã mua từ người XK). Hai là, phải giấu thông tin (không cho người XK và người XK biết về nhau).

MỤC LỤC

    1. Thư Tín Dụng Giáp Lưng = Back To Back L/C

    Dẫn nhập:

    - Xét từ góc độ lợi ích/rủi ro của một Client và Supplier. Như đã phân tích ở nghiệp vụ chuyển nhượng L/C, trong mua bán ba bên, người Client và Supplier sẽ rất e ngại khi sử dụng nghiệp vụ L/C chuyển nhượng vì những rắc rối khi có những vi phạm về hàng hóa hoặc thanh toán. Và dường như, nghiệp vụ này dễ bị lợi dụng bởi một bên Trader không có khả năng tài chính, nhưng vẫn đứng giữa kiếm được lời. Điều này sẽ rất rủi ro cho Client và Supplier. Do vậy, khi làm ăn với một Trader lạ, Client và Supplier thường muốn sử dụng một loại L/C phù hợp hơn – một loại L/C có thể phân định rõ ràng trách nhiệm của một Trader đối với Client và Supplier, đồng thời cũng giúp client đánh giá được khả năng tài chính độc lập và mạnh mẽ của một Trader.

    - Xét từ góc độ lợi ích/rủi ro của một Trader. Còn nhớ, trong nghiệp vụ chuyển nhượng L/C, UCP 600 quy định cho phép ngân hàng của Trader có thể thay đổi tên của Applicant trên L/C - từ Client thành Trader; và thay đổi tên của Beneficiary trên L/C - từ Trader thành Supplier. Tùy vào nhu cầu của mình, nếu Trader muốn giấu thông tin của Client và Supplier thì họ sẽ yêu cầu ngân hàng thay đổi thông tin như vừa nêu. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng chấp nhận thực hiện việc này (và nếu ngân hàng không chấp nhận đổi thông tin, thì Trader không thể giấu được thông tin, việc kinh doanh sẽ thất bại ở lần sau vì nhiều khả năng Client và Supplier sẽ tìm đến với nhau và đá văng Trader ra khỏi cuộc chơi). Vì dễ hiểu rằng, nếu ngân hàng thay đổi Applicant thành Trader thì về nguyên tắc, Trader phải có nghĩa vụ góp tiền ký quỹ - dù ít dù nhiều - vào tài khoản của ngân hàng này. Và theo ngân hàng này vô tình đóng vai ngân hàng Mở L/C cho Trader. Nhưng rõ ràng trên thực tế, Trader không hề ký quỹ và ngân hàng này cũng không hề mở L/C mới. Hàng loạt những mâu thuẫn về mặt trách nhiệm và rủi ro cho các bên theo đó sẽ phát sinh.

    • Để giải quyết cho cả hai vấn đề (1) và (2) nêu trên, ngân hàng sẽ cung cấp loại hình L/C khác dành cho buôn bán ba bên, nhưng an toàn hơn cho Client và Supplier so với nghiệp vụ chuyển nhượng L/C. Đồng thời giúp Trader có thể tự tin giấu thông tin đối tác. Và Trader phải khẳng định được khả năng tài chính của mình khi thực hiện loại L/C này. Một loại L/C như vậy – có tên là L/C Giáp lưng – Back-to-back L/C.

    Đại khái rằng, sau khi nhận được L/C do người Client mở, Trader sẽ dùng L/C này để thế chấp với ngân hàng của mình để mở một L/C khác cho Supplier với nội dung gần giống như L/C ban đầu, L/C mở sau gọi là L/C giáp lưng (Back-to-Back L/C) hay Baby L/C hay Seconary L/C. L/C đầu tiên gọi là L/C thứ nhất (First L/C) hoặc L/C gốc (Original L/C) hoặc Master L/C.

    Như vậy, nếu vừa muốn giấu giá, vừa muốn giấu thông tin hai bên, người XK sẽ tìm đến ngân hàng của mình và nhờ họ trợ giúp với nghiệp vụ L/C Giáp lưng – Back-to-back L/C.

    Hãy đơn giản hóa mối quan hệ làm ăn giữa ba bên kể trên bằng một sơ đồ. Trong đó, Supplier chính là người Xuất khẩu, Client chính là người nhập khẩu trong phần dẫn nhập ở trên.

    nghiep vu xuat nhap khau Thu Tin Dung Giap Lung = Back To Back L/C

    2. Xem xét câu chuyện kinh doanh cụ thể sau đây để hiểu rõ quy trình thực hiện

    Một công ty sản xuất gạo/nhà cung cấp Supplier ở Việt Nam bán hàng cho một công ty trading gạo Trader ở Hong Kong theo hợp đồng với giá là 500USD/tấn (x1000 tấn = 500,000USD), sau đó công ty Trader ký hợp đồng bán cho khách hàng Client ở Nhật với giá 600USD/tấn (tương đương 600,000USD), kiếm lời 100USD/tấn. Trader đứng giữa Supplier và Client để làm trader ăn lời và không muốn Supplier và Client biết nhau.

    Cả hai hợp đồng Mua và Bán đều có các điều khoản tương tự nhau. Trader ký hợp đồng bán hàng cho Client với điều khoản thanh toán bằng L/C; đồng thời Trader cũng ký hợp đồng mua hàng của Supplier với điều khoản thanh toán bằng L/C. Cho cùng một lô hàng với cùng số lượng và chất lượng. Kiểu ký kết hợp đồng như vầy gọi là hợp đồng ba bên hay Back-to-Back contract (Hợp đồng giáp lưng). Có nghĩa là Trader ký Hợp đồng bán hàng cho Client với các điều khoản như thế nào thì ký một hợp đồng mua hàng từ Supplier với các điều khoản y như vậy để đảm bảo sự ổn định của chất lượng hàng hoá và sự đồng bộ của chứng từ xuất khẩu. Và thực tế, hàng sẽ đi thẳng bằng tàu từ Việt Nam đến Nhật mà không hề ghé qua Hongkong.

    Thật ra lúc nào Trader cũng - nghĩ - đến - và - muốn - dùng L/C chuyển nhượng trước tiên, chứ không phải L/C giáp lưng. Nhưng, như đã phân tích ở phần dẫn nhập, vì Client và Supplier không đồng ý sử dụng L/C chuyển nhượng và/hoặc Ngân hàng của Trader không đồng ý giúp Trader giấu thông tin trên L/C chuyển nhượng… nên buộc người Trader phải dùng L/C giáp lưng để phân định trách nhiệm của Trader một cách rõ ràng. Và trên hết, khi sử dụng L/C giáp lưng, Trader sẽ đạt được mục đích của mình là giấu được thông tin hai bên người XK và NK với nhau. Về thao tác chứng từ, Trader phải biết kỹ thuật SWITCH B/L để giấu tên của Supplier trên vận đơn, đồng thời phải thay thế các chứng từ khác có tiết lộ thông tin của Supplier. Và dĩ nhiên, Trader phải thay thế hoá đơn và/hoặc Hối phiếu và thay Chứng thư bảo hiểm (nếu buôn bán theo điều kiện CIF hoặc CIP) bằng những bản mới do Trader phát hành để giấu giá mà Supplier bán cho Trader.

    Các bên xuất hiện trong quy trình làm việc

    • Người mở L/C Gốc: công ty Client

    • Ngân hàng mở L/C Gốc: là ngân hàng của công ty Client (ở Nhật)

    • Người thụ hưởng thứ nhất: công ty Trader

    • Ngân hàng Thông báo L/C Gốc = Ngân hàng Mở L/C Giáp Lưng = Ngân hàng của công ty Trader

    • Người thụ hưởng thứ hai: công ty Supplier

    • Ngân hàng Thông báo thứ hai = Ngân hàng của công ty Supplier (ở VN)

    Công việc thanh toán giữa ba bên Supplier, Trader và Client sẽ diễn ra như sau:

    (1) Trader yêu cầu Client mở L/C với trị giá L/C là 600,000 USD;

    (2) Client yêu cầu ngân hàng của mình mở L/C trị giá L/C là 600,000 USD;

    (3) Ngân hàng của Client mở L/C và gửi cho Ngân hàng của Trader;

    (4) Ngân hàng của Trader thông báo L/C cho Trader;

    (5) Trader dùng L/C Gốc này để đề nghị ngân hàng của Trader mở L/C thứ 2 (L/C giáp lưng). Thực chất, trader sẽ dùng L/C gốc để thế chấp cho ngân hàng của mình (đôi khi phải ký quỹ) thì ngân hàng này mới chịu mở L/C giáp lưng;

    (6) Khi làm Yêu cầu mở L/C giáp lưng gửi cho ngân hàng, Trader sẽ chủ động thay đổi các nội dung so với bản L/C gốc để giấu được giá và giấu được thông tin đối tác (các nội dung khác sẽ giữ giống như L/C gốc). Các nội dung thay đổi là:

    • Số tiền (phải ít hơn ban đầu) – Sửa số tiền 600,000USD thành 500,000USD

    • Đơn giá (phải thấp hơn ban đầu) – Sửa đơn giá 600,000USD thành 500,000USD

    • Trị giá bảo hiểm (phải thấp hơn ban đầu) – Sửa trị giá bảo hiểm từ 600,000USD thành 500,000USD

    • Thời hạn hiệu lực của L/C (phải ngắn hơn ban đầu)

    • Thời hạn xuất trình chứng từ (sớm hơn)

    • Thời hạn gửi hàng (có thể sớm hơn)

    • Đổi tên của Applicant từ Client thành Trader (vì Trade muốn giấu Client đi). Đổi tên Beneficiary từ Trader thành Supplier.

    (8) Ngân hàng của Trader tiến hành mở L/C Giáp lưng dựa trên L/C Gốc và những yêu cầu thay đổi trên của Trader. Và đây là một bản L/C hoàn toàn mới, độc lập hoàn toàn với L/C Gốc đầu tiên chứ không phải bản sửa đổi của L/C gốc.

    (9) Ngân hàng của Trader gửi L/C Giáp lưng cho Ngân hàng của Supplier;

    (10) Ngân hàng của Supplier gửi L/C Giáp lưng cho Supplier;

    (11) Supplier tiến hành giao hàng cho Trader theo L/C này;

    (12) Supplier lập bộ chứng từ của lô hàng, gửi bộ chứng từ cho ngân hàng của Supplier;

    (13) Ngân hàng của Supplier gửi bộ chứng từ cho ngân hàng của Trader và yêu cầu ngân hàng của Trader thanh toán tiền hàng theo số tiền trên L/C giáp lưng;

    (14) Ngân hàng của Trader kiểm tra chứng từ, nếu hợp lệ thì ngân hàng của Trader dùng tiền của chính mình để thanh toán cho Supplier thông qua ngân hàng của Supplier; số tiền thanh toán là 500,000USD;

    (15) Ngân hàng của Supplier báo CÓ (tiền đã về) cho Supplier;

    (16) Khi nhận được bộ chứng từ này, ngân hàng của Trader trao lại toàn bộ Bộ chứng từ gồm: Hoá đơn và/hoặc Hối phiếu + Packing List + Vận đơn + Chứng thư bảo hiểm + C/O + các chứng từ khác… được phát hành bởi Supplier. Gần như tất cả các chứng từ này đều tiết lộ thông tin của Supplier và/hoặc giá của Supplier.

    (17) Trader thực hiện việc làm mới hoặc thay đổi thông tin chứng từ (bộ chứng từ mà Supplier làm ra) như sau. Với những chứng từ cho mình tự làm ra như: Hóa đơn, hối phiếu, Packing List…, trader sẽ lập bản mới với tên người phát hành là tên của Trader, giá sẽ là giá mới 600,000USD. Với những chứng từ do một bên khác cấp cho Trader thì Trader phải liên hệ với bên đó để họ phát hành chứng từ mới hoặc giúp thay đổi thông tin: ví dụ - phải SWITCH vận đơn với hãng tàu, phải xin C/O giáp lưng từ cơ quan chức năng, phải mua bảo hiểm với trị giá bảo hiểm mới… Và đừng quên lưu – tách cẩn thận trên file mềm giữa Bộ chứng từ nhận được từ Supplier và Bộ chứng từ gửi cho Client;

    (18) Trader gửi Bộ chứng từ mới cho Ngân hàng của Trader

    (19) Ngân hàng của Trader kiểm tra Bộ chứng từ và gửi Bộ chứng từ đến Ngân hàng của Client;

    (20) Ngân hàng của Client kiểm tra Bộ chứng từ, nếu chứng từ hợp lệ sẽ thanh toán số tiền 600,000USD cho Trader thông qua ngân hàng của Trader;

    (21) Ngân hàng của Trader nhận được 600,000USD. Sau đó, ngân hàng này chuyển – báo Có 100,000USD (đây chính là phần lời của Trader) cho Trader (dĩ nhiên sau khi trừ các chi phí liên quan đến việc mở L/C giáp lưng, phí thông báo L/C Gốc và các chi phí liên quan khác, thì số tiền Trader nhận được không đến 100,000USD); số tiền còn lại 500,000USD ngân hàng này giữ lại cho mình (vì trước đó ngân hàng này đã dùng tiền của chính mình để trả cho Supplier theo L/C giáp lưng).

    3. Trách nhiệm của mỗi bên là gì? Rủi ro cho các bên thế nào?

    3.1. Nếu bạn là Client

    Du rằng L/C giáp lưng cho phép các bên phân định rõ ràng các trách nhiệm (vì có 2 L/C độc lập được mở ra. Trader là người chịu trách nhiệm với về số lượng/chất lượng của hàng hóa và bộ chứng từ hàng hóa theo hợp đồng với Client. Nhưng thật chất, người thực hiện các công việc này chính là Supplier. Trong trường hợp Supplier không giao hàng/hoặc giao hàng không đúng/chứng từ giả mạo-không hoàn hảo, thì Client là vẫn chịu rất nhiều chịu rủi ro. Do vậy, bài học rút ra cho Client là: hãy làm việc với một Trader uy tín – người có thể tìm kiếm và cam kết được nguồn hàng chất lượng từ một Supplier uy tín. Dù trong trường hợp Client biết rõ Supplier là ai, cũng không thể nào trực tiếp khiếu nại Supplier này, vì không có hợp đồng nào giữa Client và Supplier. Nếu không tin tưởng Trader, hãy dùng L/C giáp lưng – Back to back L/C. Client chỉ chấp nhận dùng L/C chuyển nhượng trong mua bán ba bên khi Client rất tin tưởng Trader, là đối tác lâu năm hoặc người cùng một nhà…

    3.2. Nếu bạn là Supplier

    Supplier nên nhớ rằng, trên L/C giáp lưng mà Supplier nhận được, trường Applicant sẽ để tên Trader, Trường Opening Bank sẽ để tên ngân hàng của Trader. Do vậy, người thực hiện hành động trả tiền cho Supplier theo L/C giáp lưng chính là Ngân hàng của Trader. Theo nguyên tắc và quy trình nghiệp vụ phân tích ở trên, ngân hàng này phải dùng tiền của chính mình để trả cho Supplier TRƯỚC KHI ngân hàng của Client trả tiền cho ngân hàng của Trader. Có nghĩa là, dù ngân hàng Client không trả tiền/hoặc chậm trả tiền, thì ngân hàng của Trader phải chủ động dùng tiền của mình và bằng rủi ro của mình, để trả cho Supplier. Tuy nhiên, thực tế, (1) rất nhiều ngân hàng của Trader đợi đến khi nào nhận được tiền từ ngân hàng của Client mới chiết tách và chuyển tiền cho Supplier, và họ thường đổ lỗi cho quy trình thanh toán của ngân hàng rất tốn thời gian và cố tình phớt lờ việc trả tiền chậm cho Supplier; (2) cộng với việc Trader phải sửa đổi bộ chứng từ rất tốn thời gian trước khi xuất trình cho ngân hàng của Client. Cả hai việc này, đều dẫn đến kết quả là, tiền rất chậm về tay Supplier. Một vài Supplier không thể nhận ra bản chất của việc này vì L/C giáp lưng được Trader và ngân hàng của họ gửi cho Supplier là một L/C bình thường như bao L/C, và không hề có dấu vết của L/C gốc. Do vậy, bài học rút ra cho Supplier là phải quy định rõ: “thời hạn thanh toán là X ngày kể từ ngày ngân hàng của Supplier xuất trình bộ chứng từ cho ngân hàng của Trader”. Nói rộng ra, Supplier hãy cố gắng tìm cho mình một Trader uy tín – người có thể thực hiện các nghiệp vụ công việc một cách nhanh chóng và ngân hàng của Trader đó cũng phải uy tín.

    Còn nhớ, Trader hoàn toàn có thể dùng L/C chuyển nhượng và giấu thông tin của Client (nếu có thuyết phục được ngân hàng của họ). Nếu trình độ nghiệp vụ kém, Supplier sẽ nghĩ đây là một L/C bình thường. Do vậy, Supplier hãy đề cập thẳng thắn với Trader trong hợp đồng mua bán rằng: ‘Supplier không cho phép sử dụng L/C chuyển nhượng’. Đồng thời, Supplier phải kiểm ra rõ năng lực tài chính của Trader. Supplier chỉ chấp nhận dùng L/C chuyển nhượng trong mua bán ba bên khi Supplier rất tin tưởng Trader, là đối tác lâu năm hoặc người cùng một nhà…

    3.3. Nếu bạn là Trader

    Qua quy trình công việc, ta thấy rằng hoàn toàn có 02 L/C riêng biệt được mở ra. Trader và ngân hàng của Trader phải chịu trách nhiệm giao hàng/giao chứng từ cho Client theo L/C gốc và phải thanh toán cho cho Supplier theo L/C giáp lưng. Trong trường hợp Supplier không giao hàng hoặc giao hàng không đúng chất lượng hay chứng từ không hoàn hảo, thì Trader phải chịu trách nhiệm với Client theo hợp đồng đã ký. Ở chiều ngược lại, nếu Client/ngân hàng của Client không thanh toán tiền cho Trader thì Trader/ngân hàng của Trader vẫn phải thanh toán tiền hàng cho Supplier. Bài học rút ra là, Trader hãy tìm cho mình một Supplier tốt để giữ được uy tín với Client, tìm cho mình một Client tốt để giữ uy tín với Supplier.

    Nghiệp vụ L/C chuyển nhượng cho phép Trader không cần ký quỹ mở L/C. Nhưng để mở được L/C giáp lưng, một số ngân hàng đòi hỏi Trader phải ký quỹ, và gánh trách nhiệm như một người Applicant. Do vậy, nếu Trader không có vốn để ký quỹ mở L/C, Trader sẽ rất khó khan để mua hàng của Supplier và hoạt động như một trung gian kiếm lời trên việc kinh doanh ba bên này.

    Khi buôn bán ba bên và dùng L/C giáp lưng, trader PHẢI chủ động giành được quyền thuê tàu trong hoạt động mua bán của mình. Tức là khi ký hợp đồng với Supplier nên mua theo điều kiện nhóm E, F, còn khi ký hợp đồng với Client thì nên bán theo điều kiện nhóm C, D để chủ động trong công việc.

    Và một điều quan trọng, Trader phải am hiểu và cẩn thận khi giữ thông tin về giá/thông tin đối tác, khi soạn thảo và thay đổi các chứng từ liên quan đến giá và thông tin đối tác trước khi gửi chứng từ cho Client.

    4. Vậy sự khác nhau giữa L/C Chuyển nhượng và L/C Giáp lưng là gì?

    L/C chuyển nhượng hay L/C giáp lưng giống nhau ở chỗ là dùng trong trường hợp buôn bán qua trung gian. Nhưng Trader sẽ dùng L/C chuyển nhượng trong trường hợp không có mong muốn che giấu tên của supplier, và sẽ dùng L/C giáp lưng khi muốn giấu tên của supplier đi.

    Dù kết quả cuối cùng là Trader đều hưởng được một khoản tiền chênh lệch nhưng khi dùng L/C giáp lưng, Trader và ngân hàng của trader phải có trách nhiệm trong việc thanh toán cho Supplier, có trách nhiệm trong việc làm hàng với Client. Còn dùng L/C chuyển nhượng thì Trader chỉ đứng giữa hưởng phần chênh lệch, Supplier và Client chịu trách nhiệm trực tiếp với nhau về hàng hóa và thanh toán.

    Một điều nữa, nghiệp vụ để che giấu tên của Supplier trong chứng từ rất phức tạp (nhất là C/O hay các chứng từ khác cấp bởi bên thứ 3), đòi hỏi Trader phải vững chuyên môn, và hiểu biết sâu sắc về các nội dung cũng như cách thức chuẩn bị chứng từ thì việc che giấu này mới hiệu quả. Trong khi đó, với nghiệp vụ L/C chuyển nhượng, Trader chỉ cần thay đổi các chứng từ liên quan đến giá (Hối phiếu, Hóa đơn và Chứng thư bảo hiểm).

    nghiep vu xuat nhap khau BACK TO BACK LETTER OF CREDIT L/C

    Ảnh: BACK TO BACK L/C -  LETTER OF CREDIT L/C 

    ​Bài viết độc quyền của tác giả: Ths. Lê Sài Gòn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Xuất Nhập khẩu Sài Gòn - SIMEX

    Mọi chi tiết về Khóa họcGiảng viên và Lịch khai giảng, vui lòng tham khảo tại www.simex.edu.vn hoặc Hotline 0327567988 để được tư vấn Chuyên môn và tư vấn Khóa học xuất nhập khẩu miễn phí.

    LÊ SÀI GÒN
    NCS Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh Quốc tế

    "Khi giảng dạy, tôi thường chia sẻ những điều tôi từng làm sai và lỗi lầm trong công việc và sự nghiệp, còn những cái đúng, đã có sách vở."

    BẠN ĐANG PHÂN VÂN LỰA CHỌN KHOÁ HỌC?

    Zalo tư vấn chat Simex Gọi tư vấn chat Simex Tư vấn 24/07 Zalo tư vấn chat Simex