Khóa học cùng chuyên gia

VIỆT NAM Ở ĐÂU TRONG TÂM BÃO THƯƠNG CHIẾN MỸ - TRUNG

 

Cuộc thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, vốn được xem là một xung đột song phương, đã nhanh chóng lan rộng và tác động sâu sắc đến cấu trúc của chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong cơn lốc ấy, Việt Nam – từng được coi là “bên thứ ba hưởng lợi” – nay lại đang chuyển dần từ vị thế trung lập sang trung tâm chú ý, thậm chí là mục tiêu giám sát chặt chẽ của chính quyền Donald Trump.

Theo tạp chí Newsweek ngày 7 tháng 4, một cố vấn thương mại của cựu Tổng thống Trump xác nhận Mỹ đã bác bỏ đề xuất đàm phán thuế quan từ phía Việt Nam, đồng thời tuyên bố thẳng thừng rằng “đây không phải là cuộc thương lượng.” Thái độ cứng rắn này không chỉ là tín hiệu chính trị mà còn thể hiện quan điểm ngày càng nghi ngờ của Washington: rằng Việt Nam có thể đang là điểm trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc nhằm né tránh các rào cản thuế quan.

Dưới con mắt giới hoạch định chính sách Mỹ, nếu hàng Trung Quốc được “đội lốt” Việt Nam để nhập khẩu vào Mỹ thì chính sách thương mại trừng phạt của họ sẽ trở nên vô hiệu. Đây là mối lo ngại thực sự, không chỉ mang tính chiến lược mà còn ảnh hưởng tới tính chính danh của các biện pháp kinh tế mà họ đang áp dụng với Bắc Kinh.

Trước áp lực đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Lâm Kiến – đã lên tiếng chỉ trích gay gắt các biện pháp thuế quan của ông Trump, gọi đó là “hành vi bắt nạt thương mại.” Tuy nhiên, ẩn sau ngôn từ mạnh mẽ là một ám chỉ đầy toan tính: Trung Quốc dường như cũng đang ngầm bất mãn trước việc hàng hóa của họ, dù bị cấm cửa tại Mỹ, lại có thể tìm đường qua Việt Nam để tiếp cận thị trường này thông qua các con đường trung gian.

Khi xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ sụt giảm đáng kể, thì kim ngạch của Việt Nam lại gia tăng ấn tượng – hiện nằm trong top 6 quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ, và đang tiệm cận vị trí thứ 5. Điều này làm dấy lên câu hỏi: bao nhiêu trong số đó là giá trị gia tăng thật sự từ Việt Nam, và bao nhiêu là hàng hóa “đi đường vòng”?

Không thể phủ nhận rằng Việt Nam đã hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Những tên tuổi lớn như Apple, Samsung, Nike, Foxconn đã và đang mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Song song với xu hướng tích cực ấy là những dấu hiệu tiêu cực: gian lận xuất xứ, “tái xuất trá hình,” đặc biệt trong các lĩnh vực như thép, đồ gỗ, linh kiện điện tử trong giai đoạn 2019–2023. Những sự việc này càng củng cố thêm nghi ngờ từ phía Mỹ, dẫn đến yêu cầu siết chặt kiểm tra quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa từ Việt Nam.

Tuy nhiên, đánh đồng toàn bộ xuất khẩu từ Việt Nam là hàng Trung Quốc “đội lốt” là một quan điểm sai lệch. Phần lớn đầu tư sản xuất tại Việt Nam đến từ các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc – nơi quy trình sản xuất khép kín và giá trị gia tăng là có thật. Đây là kết quả của hơn một thập kỷ thực hiện chính sách thu hút FDI có định hướng và môi trường thương mại cởi mở.

Cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc đang sử dụng lập luận “hàng đi vòng” như một đòn bẩy ngoại giao nhằm chia rẽ quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ – trong bối cảnh họ dần mất vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong một tuyên bố gần đây, ông Trump đã liệt kê Việt Nam vào danh sách ba quốc gia cần được “xem xét lại,” bên cạnh Trung Quốc và Mexico. Ba lý do được đưa ra: (1) Thâm hụt thương mại với Mỹ lớn nhất Đông Nam Á – gấp ba lần Thái Lan, (2) Bị nghi ngờ là điểm trung chuyển hàng Trung Quốc né thuế, và (3) Bị cáo buộc thao túng tiền tệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu – làm suy yếu giá trị đồng nội tệ và ảnh hưởng đến sức mua của người dân.

Giữa hai siêu cường đang đối đầu quyết liệt, Việt Nam cần khẳng định vai trò là đối tác minh bạch, không phải “bia đỡ đạn” cho bất kỳ bên nào. Muốn vậy, Việt Nam cần tập trung củng cố năng lực sản xuất nội tại, nâng cao tính minh bạch trong chuỗi cung ứng, và siết chặt quy trình truy xuất nguồn gốc. Đó là cách duy nhất để bảo vệ lợi ích dài hạn và duy trì vị thế là “bên thứ ba khôn ngoan” – không mắc kẹt trong vùng xám, mà tiến bước bằng chính năng lực của mình.

 
LÊ SÀI GÒN
NCS Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh Quốc tế

"Khi giảng dạy, tôi thường chia sẻ những điều tôi từng làm sai và lỗi lầm trong công việc và sự nghiệp, còn những cái đúng, đã có sách vở."

BẠN ĐANG PHÂN VÂN LỰA CHỌN KHOÁ HỌC?

Zalo tư vấn chat Simex Gọi tư vấn chat Simex Tư vấn 24/07 Zalo tư vấn chat Simex